MỘT
CHIỀU BÊN SÔNG SÀI GÒN ( 3 )
Dòng
người đứng đợi trước cửa soát vé để vào sân ga nhúc nhích và
chuyển bước theo từng đợt ngắn. Và sau cùng, chúng tôi- gồm chị tôi,
anh rể và tôi- vào được trong sân ga, tìm ra toa hàng khách theo vé ghi
và lên tầu. Lúc này trong toa hành khách đông kín người. Tìm đến chỗ
ngồi ghi trên vé thì đã có vài người ngồi trước. Mặc cho chúng tôi cầm
vé và so đúng số ghế họ đang ngồi, nhưng họ vẫn ngồi yên với vẻ
mặt rất thản nhiên. Chị tôi nói nhanh : ”Đây là chỗ chúng tôi ghi đúng
trên vé. Mời những ai ngồi ở những chỗ này trả lại chỗ cho chúng
tôi.” Bên cạnh chị tôi, anh rể và tôi còn hai người nữa cầm vé trên
tay và chờ họ đứng dậy để vào nơi ghi trên vé. Tôi và anh rể chưa
từng gặp tình huống căng thẳng như thế này nên chỉ đứng nhìn và chờ
đợi. Vài người ngồi trên ghế thoáng đưa mắt nhìn nhau nhưng vẫn không
chịu đứng lên trả lại chỗ. Chị tôi nói giọng cương quyết : “Các
người không sớm tìm đúng chỗ. Đây là ga đầu, thể nào lát nữa cũng
có nhân viên đường sắt đến kiểm soát vé.” Chẳng ngờ câu nói của chị
tôi khiến tình hình thay đổi ngay tức khắc. Đám người ngồi nhầm ghế
vội vã đứng dậy, nhanh chóng lôi ra từ gầm ghế ngồi các thứ đồ
lỉnh kỉnh của họ và chen lấn những người đứng quanh, tìm đến nơi
khác.
Anh rể ngồi xuống nơi số ghế của anh và mỉm cười :”May mắn là
hôm nay trưởng nhóm ra chiêu rung cây, nhát muỗi chứ không còn là mệt
với cái đám vừa rồi.” Ông khách vừa lấy lại chỗ ngồi gần bên tôi,
cười : “Đôi lúc có kẻ vẫn thấp cơ thua trí đàn bà đấy. Cám ơn mấy
lời đanh đá đúng lúc đúng chỗ của chị”.
So với tính tình nhiều phụ nữ cùng lứa tuổi chị tôi ở thời đó,
chị không hẳn là loại người đanh đá. Khi gặp chuyện chẳng lành, chị
không nói nhiều lời và lúc chị đã nói những lời chắc như đinh đóng
cột, phân tích rõ ràng những phải, trái thì chẳng ai lay chuyển được
chị. Từng trải trong giao thiệp thường ngày với nhiều người trong khi
ngồi bên sạp hàng bán vài thứ hàng hóa thời đó gọi là hàng hóa
phục vụ dân sinh, ít nhiều chị cũng biết và hiểu nhiều những tình
huống vẫn thường xảy ra. Rất ít người bạn quen của chị bây giờ biết
được rằng, chị và bốn anh em chúng tôi lẽ ra mỗi người được thừa
hưởng một nhà xây do những năm dài bố mẹ làm lụng để có được, sau
này chính quyền mới niêm phong và một thời dùng làm trụ sở hành chính
khu phố. Sau những năm tháng đó, đời sống người dân mỗi ngày một khó
khăn hơn và nghèo khổ hơn. Nồi cơm của nhiều nhà đã nhìn thấy độn
khoai, độn sắn. Những chiếc loa phóng thanh với công suất lớn chĩa
thẳng về hướng xóm, nhà và nói ra rả đến tận đêm khuya.
... Đoàn tầu chuyển bánh rời
ga chính chừng mươi phút thì chị tôi mở một túi đem theo lấy ra một
lọ muối vừng, và một túi đựng cơm nắm. Chị nói : “Những chuyến
đường xa, chỉ có cơm nắm, muối vừng và nước đun sôi là tốt nhất. Ăn
uống theo cách này, hai ba ngày cũng không chết !”.
Những năm đầu thập niên 80, nhà nào ở miền Bắc mà có cơm trắng
ăn thì đã thuộc loại khá. Tối hôm trước, khi anh rể và tôi ngồi nhẩn
nha uống cà phê trong một tiệm gần một đường rẽ đến bờ hồ thì bà
chị họ và chị tôi ở nhà rang muối vừng và làm vài nắm cơm trắng
để chị tôi đem theo trên chặng đường xa.
Anh rể nhìn nắm cơm và lọ muối vừng, chợt nói khẽ :”Đến Hà
Nội, hai anh em tôi xơi được một bữa cơm chỉ trỏ, quả thật là mãn
nguyện !”
Chị tôi đưa mắt nhìn anh rể. À, thì ra ‘hai con nhà giời’ này đã
rủ nhau đi ăn mảnh ! Ánh mắt chị tôi thoáng vẻ nghi ngờ. Chị hỏi : “Cơm
chỉ trỏ lúc này có mấy món ? Anh
có gặp lại cô bán cơm ngày trước không ?”
Đương nhiên là anh rể, như người ta vẫn nói trong tình huống này, với
vẻ mặt tỉnh bơ của kẻ ngoài cuộc :”Nghe nói, cô nàng dễ thương này
đã lên xe hoa từ vài tuần trước. Tôi chỉ nhớ đến nồi cơm nóng hổi và
vài món ngon thôi chứ không nhớ người. Mấy gánh cơm chỉ trỏ ở bên kia
đường ga Hàng Cỏ ngon thật. Còn cô chủ gánh cơm ngày trước...”. Chị
tôi nhìn anh rể với một vẻ quan tâm đặc biệt. Còn anh rể, tránh nhìn
ánh mắt chị tôi, giọng nửa đùa nửa thật : “Nói ra lúc này có mà
chết à ?!”...
....
**********************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét