Mươi Phút Trong Cuộc Đời
Khi đến tiệm sách hoặc lúc
nhận được cuốn sách mới, việc trước tiên của nhiều người là nhìn
xem các bìa sách, bìa trước hay bìa sau. Với một người đọc nhiều và
có kệ sách chừng một, hai trăm cuốn thì dường như bìa sách không mấy
quan trọng. Bởi, như một danh nhân đã nói: “Một quyển sách tốt là một người bạn hiền.”( La Rochefoucauld ). Và có văn nhân cho
rằng, “sách là người bạn tốt nhất
của tuổi già, đồng thời cũng là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi
trẻ.” Lưu trữ và ‘để dành’ cho quãng ngày ‘về chiều’ một “kho
sách” hay “kinh sử một vài kho”(Lê
Quý Đôn từng nói), là đã có một kho hiểu biết? Vậy cái kho này
có giá trị không? Xin thưa, nhiều người thường nghe ai đó nói đến một
câu chắc như đinh đóng cột: “Vàng bạc còn có giá. Hiểu biết thì vô
giá!”
Những lúc rảnh rỗi, người ưa thích văn chương
thường tìm đọc truyện, hay tiểu thuyết nổi tiếng hoặc vài tuyển tập
thơ tình. Dành riêng mươi phút giải khuây bên trang sách có thể làm
vơi những lo toan thường nhật, làm dịu bớt ưu phiền và kéo thời
giờ chậm lại. Người ta vẫn thấy nhiều người thường ham công tiếc việc,
hối hả chạy đua với thời gian, “sống không kịp ăn, làm không kịp thở”,
để rồi đến cuối ngày ngồi thở ngắn, than dài tiếc nuối “Ông Xanh ơi
hỡi ông xanh!” Nghe thương quá là thương.
Bạn hãy thử một, đôi lần- can đảm lên nhé !- đặt các thứ bận bịu qua một bên, và... dành cho
tâm hồn mươi phút để nghe một bản nhạc vui hay đọc vài trang một “quyển
sách tốt”, để thử xem mươi phút vàng son này trong cuộc đời, tâm trí
có thanh thản hơn không?
Nhà văn, nhà báo thời tiền chiến Lãng Nhân- tác giả tập văn
phiếm luận Trước Đèn (1939)- một
tác phẩm”rất được các độc giả đương thời chú ý” (theo Văn Học Từ Điển / tác giả : Thanh Tùng), đã viết những dòng
được xem là “bất tử”: “Nếu con
người Việt Nam ngày nay là kết tinh của con người Việt Nam ngày qua ( hoặc
ít hoặc nhiều, chối cãi sao được ) thì muốn tìm hiểu những gì còn
chi phối đời sống hiện tại của chúng ta, trong khi ta đương co chân
chạy theo đà tiến triển vũ bão của văn minh cơ khí, thiết tưởng có
ngảnh lại nheo một đuôi mắt vào cuộc sống hôm qua, chưa ắt đã là
hoàn toàn ... vong bản !”
Lãng Nhân
( Trích lời Tựa cuốn Nếp Cũ Con
Người Việt Nam / tác giả: Toan Ánh.)
Còn nhà thơ Bàng Bá Lân, trong Mấy Lời Tâm Sự, cuốn Kỷ Niệm Văn Thi Sĩ Hiện Đại (1962),
viết: “... Trong số mười văn thi sĩ
mà tôi đưa ra giới thiệu hôm nay, có người có thể sẽ thành “bất tử”,
có người rồi ra chỉ còn là “vang bóng một thời”, có người đã tự
tạo được một vòng hào quang khá rực rỡ, có người chưa mấy tiếng
tăm; nhưng tất cả đều đã ít nhiều đóng góp vào công việc xây dựng
lâu đài văn học Việt nam với tất cả khả năng và tinh huyết. Riêng một
điều đó cũng đáng kể rồi.”
Đọc những dòng trên, nếu ta liên tưởng đến bất cứ giai đoạn nào
trong văn học Việt nam những thời trước và những thời gần đây, hiển
nhiên hiểu được giá trị vài dòng thi sĩ Bàng Bá Lân đã nhận xét và
đánh giá.
Đôi khi, một cuốn sách tốt, đọc qua một hai trang đầu đã có thể
giúp bạn đọc tỉnh táo hơn, hiểu thêm và tìm ra vài điều đắc dụng nhằm
giảm thiểu những áp lực thường ngày phải đối diện.
Vân Võ Hoài Phương
**********************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét