Nghệ thuật khắc họa nhân vật là một trong những thế mạnh của nhiều nhà văn. Vài nhà thơ tài ba cũng ‘vẽ chân dung’ rất giỏi. Nhìn chung, nhà văn có lợi thế khi ghi lại diện mạo các nhân vật, vì viết để kể về ngoại hình nhân vật bằng văn xuôi dễ hơn văn vần. Tuy thế, những bức chân dung bằng thơ nổi tiếng vẫn được nhiều người ưa thích vì ý tứ cô đọng và tính hài hước nhẹ nhàng.
Ai đã biết về Văn học sử Việt, thường biết đến một thời huy hoàng với nhiều nhà văn có tài mô tả các nhân vật trong nhiều tác phẩm. Ngày nay, nhiều người vẫn còn nói đến nhân vật Xuân Tóc Đỏ của “vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng, hoặc Chí Phèo và Thị Nở của nhà văn nổi tiếng về truyện ngắn Nam Cao.
Phân tích tài nghệ mô tả các nhân vật trong tác phẩm văn chương, nhà văn Nhất Linh, tác giả cuốn Viết và đọc tiểu thuyết (1961), đã sớm nhận ra có hai “lối tả” khác nhau:
“Tây phương có lối tả tỉ mỉ từ lông mi, lông mày, mắt mũi, mồm, tả thật dài và tả ngay một lúc.
Đông phương thì ưa tả bằng vài nét đơn sơ”.
Có thể coi đôi lời ngắn gọn trên là nhận xét tổng quát để hiểu thêm về cách mô tả nhân vật trong nghệ thuật viết văn và đọc văn. Lối tả Đông phương “bằng vài nét đơn sơ”, có lẽ rất hợp với nhà văn Nam Cao ở một vài tình tiết nào đó khi phác họa vài nét về nhân vật Chí Phèo:
“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không?”...
(Một đoạn văn trong truyện ngắn CHÍ PHÈO của NAM CAO )
Chỉ với “vài nét đơn sơ”, đoạn mở đầu truyện ngắn của Nam Cao đã ‘vẽ’ thành công và ‘đưa’ được một con người từ ngoài đời bước vào một truyện ngắn.
Người ta thường nói đến văn tài và bút lực của một nhà văn. Phải chăng văn tài là những nét đặc sắc trong tác phẩm? Còn bút lực... có phải là nhà văn đã có nội lực hơn người, “vung bút cùng khí công” sáng tạo ra vài ấn tượng độc đáo? Những cái hay trong giới sáng tác văn chương thường được người trong giới nghiên cứu văn học biết đến, còn với ai ưa chuộng cả văn chương và văn học thì hẳn nhiên là được lãi gấp đôi, bởi, vừa được thưởng thức văn chương và vừa được hiểu thêm tài nghệ ‘nấu nướng’, ‘thêm mắm thêm muối’ trong việc bếp núc của dân văn nghệ.
Thuật lại nét vẻ bên ngoài một cách linh hoạt thường thấy ở một vài tác giả truyện ngắn. Những nhà văn đa tài và nổi tiếng với thể loại truyện ngắn còn tỏ ra có đôi mắt tinh tường và có tầm nhìn xa trông rộng, chẳng những như một họa sĩ vừa giỏi tay nghề vẽ chân dung và vừa giỏi về mầu sắc khi vẽ về quang cảnh thiên nhiên. Xin trích dẫn một đoạn văn trong truyện ngắn Cô Hàng Xén của nhà văn Thạch Lam, nhà văn nổi tiếng trong Nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông cũng là nhà văn tiên phong viết truyện ngắn Việt Nam. Truyện ngắn Cô Hàng Xén của Thạch Lam đến nay vẫn còn được nhiều người đọc và có thể nói, những nhà văn thế hệ sau còn học được nhiều điều quí giá qua tác phẩm được coi là một truyện ngắn mẫu mực, một truyện ngắn hay và có "lối tả nội tâm nhân vật rất tài tình".
CÔ HÀNG XÉN
Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két. Cô sắp về đến nhà rồi, gánh hàng trên vai nhẹ đi, và những cái uốn cong của đòn gánh bây giờ nhịp với chân cô bước mau. Cô thấy chắc dạ và ấm cúng trong lòng, bỏ hẳn nỗi lo sợ từ nãy vẫn quanh quẩn trong trí khi cô qua quãng đồng rộng, trơ gốc rạ dưới gió bấc vi vút từng cơn.”
(Cô Hàng Xén / THẠCH LAM )
..........
(còn tiếp)
**********************