Những người ôm mộng sau này có ngày là một cây bút trong làng văn, làng thơ thì ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp thường rất ưa thích tìm đọc và sưu tầm vài câu châm ngôn hay, hoặc các thành ngữ hữu ích giúp họ thêm bền chí. Sở thích riêng tư tốt đẹp này giống tựa niềm vui có một hobby ( "thú tiêu khiển, sở thích làm vài việc trong khi rảnh rỗi.." ) và, nhìn về mai sau có khi một sở thích từ thời còn trẻ sẽ luôn bên họ đến ngày cuối đời. Riêng với những ai sáng tác văn, thơ thì các câu thành ngữ, châm ngôn thường được coi là chất xúc tác giúp họ sáng tác hay hơn, uyển chuyển hơn.
Trong số các nhà văn, nhà thơ lừng danh trên thế giới, có không ít vài “nhà” khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Câu nói “hoàng-liên tuy đắng, cái nghèo còn đắng hơn”, nhiều người đã biết, thế nhưng tại sao vài thi nhân, văn nhân vào đời với cái nghèo đuổi sát sau lưng, miệng ngậm vị đắng cuộc đời mà sau lại lưu danh với nhiều người mến mộ? Phải chăng họ đã sống và luôn bền lòng nghĩ tới một câu châm ngôn “không sợ nghèo, chỉ sợ không có chí”?
Những câu thành ngữ, hoặc vài châm ngôn, hay mấy quyển sách với người mới khởi nghiệp văn chương chẳng khác nào chiếc địa bàn để tìm phương hướng. Thế nhưng đôi khi có người vẫn bị lạc lối, thì ra tuy có đọc sách, nhưng có người học được cái hay và may mắn thành đạt, lại có người học theo cái dở nên bỏ lỡ một quãng đời. Một câu danh ngôn tựa tiếng chuông cảnh báo cho những ai ham đọc sách: “sách có thể là hay là dở”.
Thật ra nói đến sự thành đạt thì thể nào cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có những người chỉ thành đạt lúc đầu hoặc một quãng đời, tên tuổi đã có trên văn đàn nhưng tác phẩm theo nhau đi vào quên lãng. Cách đây nhiều năm, tôi đọc được ở đâu đó một tác giả viết đến hơn 50 cuốn tiểu thuyết, nhưng từ đó đến nay chẳng thấy ai còn nhắc nhở đến tên tuổi và các tác phẩm với mức độ sáng tác đáng gờm này.
Từ hiện tượng trên, người ta hiểu ra một điều: khi các tác phẩm ít giá trị khuất dần theo ngày tháng, thì tên tác giả cũng ít ai quan tâm và nhớ đến. Nhưng còn có một, vài hiện tượng khác hẳn là lạ thay trên đời từng có một, hai văn nhân, thi nhân chỉ làm vài bài thơ hoặc viết một cuốn truyện, lại được lưu danh muôn thuở. Những tác phẩm của các tác giả được lưu danh với đời thường là những quyển sách nhiều người còn đọc mãi.
Tuy nhiên, nói đến việc đọc sách lại thấy ra những góc nhìn khác biệt. Đã có người nói “người đọc giỏi là người đọc được những gì giữa hai hàng chữ” (?). Ông thầy nào phán câu này với đám học trò chẳng khác nào một lời thách đố. Lại còn một câu nhiều người từng biết “Trò dốt đâu phải tại thầy” (?!).
Nhân viết đến đoạn kết, người viết chợt nhớ đến một truyện cổ, kể về một cảnh thầy, trò rất ‘ngoạn mục’ và hấp dẫn có thể còn hay hơn các truyện mới ngày nay. Mời bạn gần xa thưởng thức và gởi lời chúc vui trong những ngày rét lạnh.
*
Sưu tầm Truyện cổ
CON KHÁ HƠN THẦY
Xưa có ông thầy học lười nhác có tiếng, đến nỗi không có một tên học trò nào cả.
Nhưng quái lạ! một hôm, lại có một anh đem giàu cau đến xin vào học.
Thầy bảo:
-Nhà ta không có án thư, con xem nhà ai có, mượn tạm một cái đem về đây để ta làm lễ Thánh.
Anh học trò trình lại thầy rằng:
-Con không biết mượn án thư vào đâu bây giờ. Để con xin cúi khom lưng xuống làm cái án thư, cho thầy khấn Thánh cũng được.
Thầy nghe nói bật cười, chắp tay vái trò, bảo rằng:
-Thế thì con khá hơn thầy nhiều rồi. Con không cần phải học thầy làm gì nữa.
Theo trong sách TRUYỆN CỔ NƯỚC NAM
của Tác Giả ÔN NHƯ NGUYỄN VĂN NGỌC
******************************************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét