Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Nghĩ Đôi Chút Về Truyện Ngăń ( 5 )



Mỗi nghề mỗi nghiệp thường có bí quyết riêng, điều này nhiều người vẫn biết. Trong nghiệp văn, dân có nghề gọi bí quyết làm ra tác phẩm là “mật pháp”. Trong cuốn sách Để Thành Nhà Văn, học giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần viết nơi trang Lời nói đầu:
“... Phàm đã cầm bút, thì dù cho ai, cũng không thể không nghĩ về những mật pháp của một nhà văn...
Những mật pháp của nhà văn, ta phải hỏi ai, và hỏi đâu? Thiết tưởng không còn cách nào hay hơn là hỏi đến những nhà văn tên tuổi và tài hoa đã được người người đủ mọi thế hệ nhìn nhận.”
( Để Thành Nhà Văn / Thu Giang Nguyễn Duy Cần )

Riêng về thể loại truyện ngắn, nhà văn Sơn Nam- sinh năm 1926 tại Rạch Giá, từng cộng tác với nhiều các báo chí- đã ‘bật mí’ mật pháp viết truyện ngắn của ông như sau:
“ Nhập đề phải gọn và nhanh và kết thúc đúng nơi đúng lúc trong phạm vi năm ba hàng mà thôi.”
Còn nhà văn Nguyễn Đông Ngạc- sinh năm 1939 tại Phú Yên, có đăng thơ và truyện trên nhiều tạp chí, từng chủ trương Nhà xuất bản Sóng- cho biết quan niệm của ông về truyện ngắn:
“Truyện ngắn hay phải là truyện làm cho người đọc thích và chịu được sự thử thách của thời gian.”
( Những truyện ngắn hay của quê hương chúng ta / Hai mươi năm Văn Học Miền Nam 1954-1973)
Một truyện ngắn viết cho hay đã khó, còn “làm cho người đọc thích và chịu được sự thử thách của thời gian”, thiết nghĩ càng khó hơn! Quả thật nghiệp viết chẳng dễ chút nào. Đó là chỉ nói riêng đến thể loại truyện ngắn. Thỉnh thoảng đọc vài trang trên net, độc giả còn thấy vài chuẩn mực gần như thuộc về ‘nền tảng’ nghiệp viết, như: “sẽ không thể viết nổi nếu không nắm vững nguyên tắc của thể loại...”, và một vài nhà văn kể lại, họ từng xoá đi viết lại bản thảo nhiều lần mà tác phẩm đó vài năm sau đọc lại, vẫn thấy cần phải... viết thêm đôi dòng hoặc bỏ qua vài chỗ.
Học giả T.G Nguyễn Duy Cần trình bày rõ thêm về điểm chính yếu trên. Ông viết: “... Một tác phẩm, một bài văn hoặc một bức họa... đều phải có một điểm chính nào làm trụ-cốt.
Thiếu nó là thiếu cái hồn của nó vậy. Một bức danh họa bao giờ cũng gợi cho ta một cảm tưởng gì. Cảm tưởng ấy mạnh hay yếu cũng nhờ nơi sự khéo lựa chọn một cách cẩn thận cân nhắc những chi tiết vừa đủ để gây cho ta cái cảm giác ấy. Nếu trái lại, họa sĩ phung phí những chi tiết quá vụn vặt không ăn vào đề, thì đó là một bức họa thiếu tính cách nhất quán, một bức họa hỏng. Người ta xem nó, không hiểu nó muốn nói cái gì...
Sự thuần nhất trong một tác phẩm văn chương hay hội họa là điều khó thi hành nhất. Có gì dễ bằng chồng chất một cách cẩu thả khinh suất những chi tiết rất ngộ rất hoặc nhưng tuyệt nhiên không ăn chịu gì với ý chánh của tác phẩm. Trong những ý tưởng hoặc cảm giác hỗn độn do sự kích thích của ngoại giới đưa đến cho ta, hãy biết lựa chọn những gì trọng yếu nhất, ăn sát với đề tài để sắp đặt và trình bày một cách khéo léo, hầu gây cho người đọc hay người xem một cảm tưởng thuần nhất mạnh mẽ. Không khác nào người trồng nho, họ tiả bớt những cành lá không cần thiết, hoặc đèo đẹt, để tăng sinh lực cho những cành khác có thể trổ sanh nhiều trái đẹp hơn, nhà văn cũng như nhà họa sĩ, cũng cần phải biết hy sinh những chi tiết không cần thiết hoặc còn bạc nhược để cho tác phẩm mình thêm nhiều sinh lực. Có nhiều nhà văn, tư tưởng họ dồi dào quá, họ phung phí tư tưởng họ trên mặt giấy, không khác nào những cành lá rườm rà của đám nho rừng.
(....) Muốn viết văn hay, phải biết tư tưởng đúng. Mà tư tưởng đúng, đâu phải tư tưởng sa đà... mà phải tự buộc mình ở trong ranh giới của vấn đề mình đề cập, nghĩa là phải biết hy sinh tất cả những gì không ăn chịu với vấn đề, dù là những đề tài không kém lý thú...”
(Sách đã dẫn)
Đọc những dòng trên đây của tác giả Nguyễn Duy Cần, tôi nhớ lại quan điểm của ông, đề cập nơi Lời nói đầu:Tôi chỉ viết khi nào tôi cảm thấy cần phải nói lên một điều gì thôi.”
Một quan điểm tuy giản dị nhưng rất cần thiết với riêng ông.
*
Người ta thường nói, mỗi người cầm bút có một tạng riêng. Ví dụ, tạng của nhà văn A khác hẳn tạng nhà văn B. Nói cách khác, mỗi nhà văn có một sở trường riêng. Sở trường thường được hiểu là thông thạo, tài giỏi.
Trong giới học giả, thường nơi các vị học giả mỗi học giả cũng có một tạng riêng. Những ai đọc qua các tác phẩm của tác giả Nguyễn Duy Cần, biết rõ học giả Nguyễn Duy Cần có lối phân tích và so sánh hữu hiệu. Còn như đã đọc qua những cuốn sách của tác giả Nguyễn Hiến Lê, hẳn biết học giả Nguyễn Hiến Lê thường chuyển ngữ các tác phẩm có giá trị với đời thường. Xin mạn phép trích dẫn đoạn chuyển ngữ của ông sau đây:
“ Trong thiên hạ, được một tri kỷ không ân hận rồi...
Cho nên cái đạo bạn bè rất đáng quý trọng. Nói chuyện với bạn hiểu biết như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bạn nghiêm cẩn, đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc trường thiên tiểu thuyết.”
( Quan Niệm Về Sống Đẹp/ Lâm Ngữ Đường / Nguyễn Hiến Lê lược dịch )
*
Trở lại với tâm trạng băn khoăn của vài bạn đọc: “Truyện ngắn hay, phải như thế nào?”
Để hiểu ít nhiều về nghệ thuật viết truyện ngắn, xin mượn đoạn mở truyện ngắn Ơn và oán- một truyện ngắn rất đặc sắc- của nhà văn nổi tiếng thời tiền chiến Vũ Bằng. Ông cũng là tác giả cuốn bút ký Miếng Ngon Hà Nội, tác phẩm viết năm 1969 tại Sài Gòn, và cuốn bút ký nhiều người biết đến vẫn còn tiếng thơm đến tận ngày nay...


Ơn và oán
"Đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa biết câu chuyện dưới đây đã xảy ra ở nước nào. Chỉ biết rằng đó là một câu chuyện xảy ra cách đây đã lâu lắm. Hồi đó là một hồi thái bình thịnh trị. Người nhà quê nhường cơm sẻ áo cho nhau. Của rơi trước ngõ không ai thèm nhặt. Súc vật thân với giống người như anh em một nhà.
Có một vị quan kia, chán mùi hoạn lộ, xin cáo về nhà để di dưỡng tinh thần. Ông làm bạn với tách trà, giò cúc. Sáng, ông lên trên những đỉnh đồi cao để cho được gần trời; trông ngắm hạc bay, công múa. Chiều thì hoa cỏ thấy ông chống một cái gậy trúc ra đứng trước cổng nhà để nhìn nước nổi tăm, hay ngắm đám thế nhân đi lại ở trước đám bụi.
Những hồi ức thời làm quan của ông trở lại trí não lúc này rất rõ ràng. Ông nhớ lại những lúc ở dinh thự có xe đưa pháo đón. Chao ôi, bây giờ nhìn lại thì còn có cái gì? Chỉ còn một tấm lòng. Ông ngậm ngùi về nỗi hư không của thế sự và đến tận lúc bấy giờ ông mới thật thấu hiểu rằng chỉ có tấm lòng là người bạn chung thủy ở với ta cho tới chết. Tấm lòng mà thư thái, không vẩn điều hối hận là của báu có tiền không mua được.
Ông hưu quan nhìn trước mặt là núi, nhìn sau lưng là núi, ở giữa một dòng suối chảy thanh thanh. Ông nói với ông rằng:
“Sự ưa thích một khi đã đạt rồi thành chán. Trước đây ta giàu, hễ muốn là có tiền. Bây giờ ngồi ngẫm lại hồi đó, thật chẳng khác gì cái suối nó kêu lên một tiếng thì ở trong rừng này hai trái núi nọ đem tiếng vang ngay lại.
Thế sự bao giờ cũng chỉ quẩn quanh có thế thôi. Duy sự khổ não thì bến bờ nào cũng có mà không hề giống nhau bao giờ. Người ta chém giết nhau, người ta lại giả dối với nhau; người ta khinh nhau, người ta lại ghét ghen nhau; người ta biệt ly rồi lại gặp nhau, người ta lại chia rẽ những lứa đôi không cho nhau sum họp”.
Ông hưu quan nghĩ thế và rất buồn cho tâm lý người đời. Ông bèn lên ở trên một am vắng để dốc tìm đạo lý...”
....
( Truyện ngắn Ơn và oán / Tác giả: VŨ BẰNG )


( Mời đọc tiếp..)
Vân Võ Hoài Phương
================

Không có nhận xét nào: