Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Nghĩ Đôi Chút Về Truyện Ngăń ( 4 )



Cái khó nhất trong nhiều cái khó của các cây viết truyện ngắn là phô diễn cảm xúc “tây riêng” và tài nghệ mô tả hiện thực đời sống. Phải chăng cái khó trong nghệ thuật văn chương là ghi lại linh hoạt các hình ảnh, hoặc miêu tả diễn biến tâm lý vài nhân vật, hay tái hiện cách sống động một hai cảnh đời mà nhiều người đã biết, đã trải qua nhưng rất khó diễn đạt?
Một nhiếp ảnh gia thường dùng máy ghi hình lưu lại vài hình ảnh chọn lọc, người nghiên cứu âm nhạc có thể dùng máy ghi âm ghi lại một giai điệu ưa thich, các nhà điện ảnh dùng nhiều thước phim để kể lại quãng đời của một vài người... Còn nhà văn viết tiểu thuyết, kẻ viết truyện dài, kẻ viết truyện ngắn, họ trông cậy và dùng đến những thứ chi?
Riêng về thể loại truyện ngắn, vấn đề đặt ra trên xem chừng cần gom góp nhiều tài liệu để hiểu ‘nguồn cơn’ của vấn đề. Tuy nhiên, vài trang viết nơi đây, bởi giới hạn ở dạng tiểu luận, do đó, không tìm hiểu sâu xa và kỹ nhiều chi tiết, trọng tâm và chủ ý của bài viết là đưa đến với bạn đọc các nhận xét chung của vài người trong giới cầm bút, đôi khi nói qua vài kỹ năng thông thường nghiệp văn, và có thể giúp bạn khuây khỏa mươi phút trong một, hai ngày rảnh rổi cuối tuần.
*
Vừa ‘chân ướt chân ráo’ bước vào làng làm báo, tháng Giêng 2002, tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay nhận được thư của vài bạn đọc, trong số thư gởi đến, có thư một quý độc giả nơi xa nhờ “quý báo giải thích về thể loại truyện ngắn”(?). Lẽ thường tình có thêm bạn, bớt được thù cũng là điêù hay, cho dù đó là bạn ‘ca-nông, đại bác bắn không tới’, và có khi... ngỏ vài lời trêu ghẹo ta không chừng; nhưng ‘bổn báo’ vẫn vui, mặc dầu biết bạn mới này có thể đã qua nhiều tu luyện trắng đêm bên bản thảo.
Cảnh đời lúc đó, kẻ “lo làm báo, in báo ngày thêm hiếm hoi” đúng như bạn văn Trần Phong Lưu (Đức Quốc) đã nhận xét. Bằng hình ảnh vừa bi hài vừa linh hoạt, Trần Phong Lưu mô tả thêm: “Năm nay, mấy tập san Xuân càng lẳng lặng xuất bản muộn màng hơn. Trông cứ như mấy lực sĩ Marathon, có thiện chí, đã mòn hơi, cố lê bước về mức lúc thành phố đã lên đèn, trong khi mấy người đoạt huy chương đã thay áo về từ sáng”.
( Báo Xuân Muộn…/ Trần Phong Lưu / TIN VĂN, số Xuân Ất Hợi; Văn Nghệ Ngày Nay, số đặc biệt Xuân..)
Kể ra, vài kỷ niệm xa xưa đến nay vẫn còn được một vài kẻ tưởng nhớ và trân trọng với tình thân thiết bằng hữu. Xin cảm tạ kỷ niệm thân thương và cảm tạ “những anh linh văn hóa” đã có thiện chí, tuy có lúc mòn hơi nhưng vẫn cố chạy Marathon và bước về đến đích lúc thành phố đã lên đèn!
Xin trở lại với các lá thư của vài quý độc giả, bạn hữu gởi đến. Và xin trích lược một đoạn ngắn trên báo Văn Nghệ Ngày Nay để chia sẻ với bạn đọc tình cảnh một thời đã qua:
... “Ngôi nhà văn hóa của nhân loại được xây lên bởi công sức của rất nhiều thế hệ những người tha thiết với văn chương, nghệ thuật. Họ đem trái tim, khối óc, tài năng và có thể nói là trọn cuộc đời để phụng sự nhân loại. Những tác phẩm văn hóa bao đời nay của các nghệ sĩ lừng danh và vô danh là nguồn hạnh phúc giúp đời và giúp chúng ta vui sống.
Tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay ra đời là một tiếp nối may mắn theo bước những người vẫn tha thiết với văn chương, nghệ thuật. Sau số đặc biệt mừng Xuân 2001, tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay nhận được thư khích lệ và điện thoại ân cần của các ân hữu gần xa. Thật tình, bên cạnh những lời chúc tốt lành cũng có lời chê trước vài trở ngại lúc khởi đầu chưa thể ráng sức được. Rất mong Quý bạn đọc xa gần nể tình châm chước và miễn thứ. Nhân dịp ra tiếp Văn Nghệ Ngày Nay số 2, xin trân trọng kính chúc những người làm văn nghệ, văn hóa, nghệ thuật và những người yêu thương văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật ở các quốc gia trên thế giới luôn vui tươi, yêu đời và nhiều may mắn.
Tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay
( Đời Vẫn Thương / Tạp chí Văn Nghệ Ngày Nay, số 2. 2001 )
*
... Còn riêng một quý độc giả nơi xa chẳng chê và cũng chẳng khen tờ báo vừa qua vài cơn thử thách. Quý độc giả thân mến.. (xin bỏ lỗi được / bị nhắc nhớ đến nha! Chúc vui nhiều và gặp dịp rảnh rổi, đến thăm để hiểu nhau thêm...), gửi trong thư vài dòng ngắn và kèm theo một ‘câu nặng kí’:
“Tôi rất chuộng thể loại Truyện Ngắn. Mong Quý báo giải thích về thể loại này.”
Chẳng hiểu sao, khi đó chợt nhớ đến tác phẩm “Nói Có Sách” của nhà văn Vũ Bằng, nên tự nghĩ, cách giải thích đúng nhất là căn cứ vào những cuốn sách từng được nhiều người thẩm định là sách có giá trị và uy tín. Vì thế, tham khảo theo sách, biên tập viên Hữu Điển trả lời trên báo Văn Nghệ Ngày Nay số 4:
“Truyện Ngắn: Đoản thiên tiểu thuyết, chuyện một hay vài người trong một khoảng thời gian của đời họ gồm những việc vui, buồn, éo le, gay cấn, đọc trong vài mươi phút mà có thể học hòi được việc đời.”
( Theo Việt Nam Từ Điển. Nhóm tác giả: Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu soạn; Lê Ngọc Trụ hiệu đính. Nhà sách Khai Trí Xb, 1970 )
Phải chăng đoạn văn ngắn trên là một trong rất nhiều lời nói hay, nói tốt về thể loại truyện ngắn? Những truyện ngắn đích thực có thể vẫn cần thiết với đời sống nhiều bạn đọc hôm nay...


( Mời đọc tiếp.. )


Vân Võ Hoài Phương


==================

Không có nhận xét nào: