Một điều khá lý thú trong văn học Việt Nam hiện đại là những nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao “cứ sống mãi”! Vẫn thỉnh thoảng còn được người đời nhắc nhớ đến, cho dù đó chỉ là câu nói bỡn cợt: “Trông anh cứ như Chí Phèo!”. ’Anh Chí Phèo’ của đời thực lúc này, tuy mặt đỏ như quả gấc chín cây, nhưng vẫn cười hể hả, chẳng những không cảm thấy mếch lòng, vẻ mặt lại như có vẻ dương dương tự đắc. Không phải ngẫu nhiên vài trang tìm hiểu và nghiên cứu văn học trên mạng đánh giá vài nhân vật trong các truyện ngắn Nam Cao là “những nhân vật dữ dội”. Đã có vài bài thơ viết về hai nhân vật khó quên của Nam Cao với lời thơ bình dị dễ thương, người ta làm tượng Chí Phèo và Thị Nở với những ấn tượng đậm nét, và có vở kịch diễn về hai nhân vật được nhiều người biết đến. Có thể nói, rất ít nhà văn thế hệ trước có được niềm kiêu hãnh về các nhân vật của mình như Nam Cao. Nhà văn Vũ Bằng từng viết những truyện ngắn đặc sắc, nhận xét vài lời về Nam Cao: “Đặc điểm của Nam Cao theo tôi là ở sự giản dị chân phương. Cũng như anh, văn anh không cầu kỳ...”, và “nhiều khi đọc xong một truyện của anh, tôi lấy làm “quái lạ” sao người ta lại có thể lẩm cẩm và tài tình đến thế, sao lại có thể chọn lựa những hình ảnh, những danh từ “mả” thế, sao lại có thể tạo nên một truyện giản dị mà lạ lùng đến thế.” ( Theo một tư liệu văn học trên mạng)
Những trang truyện ngắn của Nam Cao có một hấp lực đặc biệt. Quang cảnh làng quê bao đời nay thường ẩn hiện trong thơ văn nhiều thế hệ thi nhân, văn sĩ. Nam cao là một trong các nghệ sĩ phô diễn lại bức tranh phong phú đó, nhưng bên cạnh những hình ảnh chân thực về làng xóm, về láng giềng, nét đặc biệt trong truyện ngắn Nam Cao là tâm sự tác giả. Đây là điều rất ít thấy trong truyện ngắn của các nhà văn cùng thời. Với thể loại truyện ngắn, gom được những “cái riêng tây” vào tác phẩm như nhà văn Mai Thảo nói, đã là việc khó, thêm tâm sự vào nữa càng khó viết hơn. Nam Cao còn vượt trên tầm mức, với những đoạn miêu tả nội tâm bên cảnh “sau một điếu thuốc lào”. Trong chuyện bếp núc nghề văn, nhà văn nào có đủ bút lực miêu tả ‘gọn ghẽ’ cái tâm hồn xao động của riêng mình kể như đã thuộc loại khá, nếu như miêu tả nổi tâm lý nhân vật của mình nữa lại càng khá hơn. Riêng thể loại truyện ngắn lại tối kỵ lối viết ‘lòng thòng, dây cà ra dây muống’, và không thể viết ‘tràng giang đại hải’. Nghệ thuật viết truyện ngắn, đến ngày nay, vẫn còn nhiều bí ẩn với nhiều cây viết. Đã có nhiều cách so sánh giữa thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Một trong các so sánh nhiều nhà văn từng biết đến là so sánh của Pau Bourget, nhà văn / nhà phê bình Pháp thế kỷ 20: “Truyện ngắn là solo. Tiểu thuyết là giao hưởng.”
Nhiều nhà văn Việt Nam đã góp sức vào thể loại truyện ngắn, làm phong phú, đa dạng và tươi tốt thêm vườn hoa văn nghệ, có thêm những cỏ thơm trái ngọt và thêm nhiều cây lạ bông hường... qua các sáng tác phản ảnh hiện thực. Kinh nghiệm và nghệ thuật viết truyện ngắn của nhà văn Nam Cao sẽ mãi được các nhà văn tìm hiểu thêm nữa. Ai đó đọc lại đoạn mở truyện ngắn Lão Hạc, hẳn biết thêm nghệ thuật viết truyện ngắn rất ít người có được mà với kẻ nào từng thử sức với thể loại này- tôi nghĩ- đoạn mở truyện ngắn Lão Hạc là một mẫu mực về cách xây dựng nhân vật, mẫu mực về tình tiết và mẫu mực về tài nghệ diễn tả nội tâm.
....
( Mời đọc tiếp.. )
Vân Võ Hoài Phương
====================
====================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét