Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Vài Dòng Văn Nghệ Phương Xa ( 2 )



NGHĨ XA NGHĨ XÔI ...



Với nhiều người, kỷ niệm thuở thiếu thời thường là kỷ niệm của những hình ảnh thân thương và rất khó phai mờ. Ở cái thời non trẻ đó- thời chạy nhảy tung tăng, thời nhìn trời xanh chồi biếc với đôi mắt thơ ngây- ai chẳng thấy bỡ ngỡ với đời thường, ai cũng cảm thấy cuộc sống có rất nhiều màu, nhiều vẻ. Kỷ niệm thời trẻ thơ có thể mãi còn trong tâm trí người lớn tuổi, mỗi khi họ ngồi trầm tư tưởng nhớ. Một chút hoài niệm nhớ nhung xa vời tựa như ai đó chợt ngồi nhớ đến nơi vườn xưa có mùi hương của hoa thơm và cỏ biếc. Phải chăng đây là một chút “tài sản quí giá” trong tâm tưởng của một người lúc ở ‘tuổi vàng’? Bạn nghĩ gì thêm khi biết có kẻ ví von “hương” của quá khứ với hương một bụi cây tử đinh hương lúc nở hoa như Franz Toussaint so sánh: “Quá khứ còn có nhiều hương hơn là một bụi cây tử đinh hương nở hoa”. Nhiều người sống lâu năm trên đất Pháp từng biết qua câu nói đời thường của dân Pháp: “Trẻ ước mơ; Già hoài niệm”. Vế sau trong câu nói dân Pháp đúng ý với nhiều người, bởi, dù là ai chăng nữa, cũng đôi lúc ngồi nghĩ xa nghĩ xôi, hoài niệm về một quãng đời nào đó. Nhưng với một vài người, hẳn họ không nghĩ đơn thuần và giới hạn trong hai độ tuổi già và trẻ. Nhìn nhận cách khách quan, người ta thấy, với tuổi già hay tuổi trung niên (còn có kẻ gọi là tuổi lưng chừng ), ở độ tuổi vàng và tuổi sắp vàng này không chỉ có hoài niệm mà có thể còn có cả vài ước mơ, cho dù đó là ước mơ ở mãi tận bên kia biển rộng (?).. Nói tới để thêm vui, thế nhưng quả tình chuyện ước mơ xa vời này với một kẻ vẫn còn lẻ bóng thì hẳn anh ta/ chị ta có thêm nhiều hy vọng và vui vẻ sống tiếp mặc cho ngoài trời có nổi bão tố phong ba hoặc thời giá mỗi ngày mỗi tăng tới mức ít ai biết trước.




*




Hồi tôi còn nhỏ, tôi vẫn ao ước được mẹ tôi dẫn tới nơi này nơi khác. Cũng như nhiều phụ nữ có gia đình và có đàn con còn nhỏ, mẹ tôi thường dành thời giờ chăm chút mấy anh chị em tôi. Sau này, khi chị gái và anh em tôi dần dần lớn khôn, tôi nhận biết và cảm thấy mẹ tôi dành tình cảm yêu thương với mỗi đứa con mỗi khác. Hình như tâm tính nhiều bà mẹ đời trước và đời nay thường vẫn thế, có đứa con được thương nhiều, có đứa con được bảo bọc và quý mến nhiều hơn...
Hồi đó, chị tôi và anh tôi thỉnh thoảng được mẹ tôi mua cho vài thứ đồ để mặc ăn diện trong các ngày có hội hè, lễ lạc. Còn tôi, những năm tôi gần mười tuổi lúc đó, thường vào các ngày lễ tết mẹ tôi ưa dẫn tôi theo mỗi dịp mẹ tôi về thăm quê ngoại.
Thực ra dân phố xá nơi tôi ở thời đó rất ít khi nghe họ nói đến “quê nội, quê ngoại”; có dịp nói đến quê hương bản quán, họ chỉ nói vắn tắt: “Ở quê tôi...”, hoặc: “Tết này, tôi về quê.” Còn mẹ tôi, mỗi dịp sắp sửa vài thứ mang về quê nhân ngày giỗ chạp của thân tộc, thường chỉ nói với bố tôi: “Ngày mai, ông ra ga chính mua giúp tôi một vé về Cẩm Giàng.”
Dân chúng sống nơi vùng duyên hải Bắc Việt nghe nói đến Cẩm Giàng, biết ngay đó là một huyện thuộc tỉnh Hải Dương, một tỉnh nhỏ nhưng có hai loại bánh đặc sản nổi tiếng nhiều người biết, đó là bánh đậu xanh và bánh gai Ninh Giang. Tuy huyện Cẩm Giàng chưa hẳn là nơi nhiều nhà làm bánh đậu xanh nhưng bố tôi xem ra có vẻ “tôn quý” hai món bánh đặc sản dân dã nơi quê vợ, nên mỗi lần mẹ tôi và tôi về quê hay lúc từ quê ra tỉnh, luôn luôn được bố tôi nhiệt tình đưa đón. Thật khó tả hết nỗi vui mừng của bố tôi lúc nhận từ tay mẹ tôi các cập bánh gai thơm lựng gói trong lá chuối khô và những chiếc bánh đậu xanh thơm nức màu vàng đậm. Trong ánh mắt của ông lúc đó, như toả sáng một vẻ “hàm ơn”món quà quí của quê vợ. Dẫu rằng ông chẳng lạ lẫm gì với các loại bánh “ga-tô kem” sinh nhật có những viền hấp dẫn, hoặc bánh “cao lâu” được nướng trong lò.
Hiểu đúng ra, ngày còn nhỏ, vì tôi ở độ tuổi ‘dễ sai vặt’ nên thường được mẹ tôi ưu tiên cho đi theo. Trên tôi còn có một chị và một anh, và khi đó, bố tôi cần chị và anh tôi ở nhà để giúp vài việc. Những năm đó, anh tôi ở vào tuổi mười lăm mười sáu tuổi, lứa tuổi nhiều mơ mộng và ưa thích các sinh hoạt với bạn bè cùng trang lứa.
Một hôm, anh tôi tham dự ngày hội cắm trại do Hội Hướng Đạo tổ chức, còn tôi ở nhà dọn dẹp và sắp đặt sách vở nơi góc nhà hai anh em vẫn ngồi học. Trong đống sách vở ngổn ngang góc nhà, tôi bỗng nhìn thấy vài trang sách mở một quyển vở chép tay của anh tôi. Đó là các trang thơ anh tôi chép lại từ sách, báo in ấn thời ấy. Những bài thơ tình rất hay, mà huyền diệu thay đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Chẳng hạn như các câu thơ:
“Đời không yên lặng nữa
Lòng trai thấy vấn vương
Mắt đượm màu tâm sự
Đúng rồi !...
Lòng chàng trai mơ chuyện yêu đương.”
( Xin thực lòng mong tác giả bài thơ lượng thứ, vì đã quá lâu, tôi chỉ còn nhớ được riêng vài câu thơ).
Đến nay, qua nhiều năm, dù cố công tìm kiếm trong nhiều tác phẩm về thơ, nhưng rất ít dịp tôi gặp lại lần thứ hai bài thơ đã biết vừa kể qua trên. Và tôi chẳng thể nào quên những bài thơ tôi tình cờ đọc được trong quyển vở nhỏ của anh tôi. Sau này, tôi chẳng còn dịp xem những trang thơ chép lại của anh tôi nữa. Có thể, anh đã đem tặng quyển vở chép thơ đến một giai nhân nào chăng? Và sau nữa, anh tôi chuyển sang ưa thích các môn thể thao, rất ít khi nghe anh nói đến chuyện văn chương chữ nghĩa. Có một hôm, tôi chợt nghe anh ngâm khẽ mấy câu thơ:
“ Em ở đầu sông soi gương
Anh về cuối sông tìm bóng
Dòng Thao hay là dòng Tương ?...
..............................................”




Tôi biết, đó là bài thơ kể về một chuyện tình. Có thể anh biết tựa đề bài thơ và biết tên tác giả. Còn tôi, đến nay tôi vẫn chưa biết và vẫn luôn tưởng tượng về chuyện tình của hai kẻ thường nhớ đến nhau. Tình yêu là đề tài muôn thuở, và có thể nó sẽ giúp cho những người làm văn học nghệ thuật thêm nhiều ý tưởng mới lạ hơn chăng ?




Vân Võ Hoài Phương




==========================



Không có nhận xét nào: