Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Ký Ưć Bôń Muà ( 1 )




1. Kỷ Niệm Học Thuộc Lòng



Còn nhớ một thời theo học với bạn bè cùng tuổi, đứa nào đứa ấy các ngón tay ngón nào cũng giây mực, có đứa còn quẹt cả mực lên mặt mình mà chẳng hề hay biết, đến lúc vào lớp học làm cả lớp được một phen cười như được xem một đoạn phim của vua hề Charlie Chaplin.

Chẳng rõ hiện nay trên thế giới có quốc gia nào còn bắt buộc học sinh tiểu học phải học thuộc lòng không... Còn thời chúng tôi đi học, giờ học thuộc lòng và số điểm thầy, cô cho điểm về đọc thuộc lòng rất quan trọng. Về môn Toán, học trò ngày ấy phải học thuộc Bản Cửu Chương. Thường đêm hôm khuya khoắt, dưới ngọn đèn dầu, các ‘thư sinh’ vẫn phải ngồi ê a: “Hai lần một là hai. Hai lần hai là bốn. Hai lần ba là sáu...”; có lúc tay vừa đập muỗi, miệng vừa ê a như đọc kinh... khổ nguyện. Trong các “chương”, chương số 5 và chương số 10 là hai chương quá dễ, nghiã là nhắm mắt cũng đọc được một lèo: “Năm lần một là năm. Năm lần hai là mười. Năm lần ba mười lăm...”...Mười lần một là mười. Mười lần hai, hai mươi. Mười lần ba, ba mươi...”. Trò nào ‘vớ’ được hai chương ‘ngon ăn’ này, lúc đó vui như hội, đọc trôi chảy “ ngon như cháo gà”. Nhưng từ chương số 6, số 7, số 8 và đến chương số 9 xem chừng có trò ngắc ngứ... Thời đó, vài bạn tôi và tôi nữa, ham đánh khăng đánh đáo thả diều, còn Bản cửu chương, mới vào học ai đâu học thuộc ngay được, bao nhiêu là con số thế kia, ai một lúc mà nhớ nổi! Thành thử lúc phải/bị đứng lên đọc thuộc lòng bản cửu chương, có bạn trong lớp mới thuộc một, hai câu trong chương 7, đến câu thứ ba bị tắc luôn: ”Bẩy lần ba... a...a...a...”, vừa kéo dài a a a và vừa đưa mắt cầu cứu, chờ ‘viện binh’ giúp. Chẳng ngờ, đứa bạn ngồi bên, có thể cũng chưa thuộc, nhắc khẽ: “Bẩy lần ba...ba mốt”. Anh chàng “a, a, a...” lúc đó như người đang bị uống nước chìm, chới với vớ được đám bèo, liền nhanh nhẹn: “Bẩy lần ba, ba mốt”!...*
Học lên đến bậc trung học, thời ấy nghiã là bắt đầu từ lớp 5 phổ thông [Lúc đó, Cấp I: Các Lớp 1, 2, 3 và 4; Cấp II: Các Lớp 5, 6 và 7; Cấp III: Các Lớp 8, 9 và 10 ]. Học sinh trung học, học thêm môn giảng văn, và phải học thuộc lòng nhiều bài học thuộc thể văn vần như thơ hoặc ca dao.
Năm học mới thường bắt đầu một niên học vào mùa thu, nên trong vài tuần lễ đầu, chủ điểm các bài giảng văn chú trọng về mùa thu. Một trong những bài thơ tôi còn nhớ được và nhớ kỹ đến nay là bài thơ THU ĐIẾU của nhà thơ Nguyễn Khuyến:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng nước theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối buông cần, lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”




Còn nhớ... một bạn học trong lớp với tôi ngày ấy, lúc được gọi đứng lên đọc thuộc lòng bài thơ này, anh đọc từ câu đầu đến gần câu cuối ‘ngon lành’, bỗng nhiên đến câu cuối, anh đọc ngắc ngứ chữ sau cùng: “...Cá đâu đớp động dưới chân...a...a...a...a.”Thầy dạy văn của chúng tôi không khỏi bật cười, ông ra hiệu bạn tôi ngồi xuống. Và hôm đó, cả lớp chẳng rõ bạn tôi được mấy điểm về bài đọc thuộc lòng.

Có thể vì những tiếng “a... a...” của bạn tôi trong lớp học thuở ấy nên tôi nhớ rõ và nhớ kỹ một trong ba bài thơ nổi tiếng về mùa thu của nhà thơ trữ tình và trào phúng xuất sắc NGUYỄN KHUYẾN...



Mùa Thu, 2011
Vân Võ Hoài Phương
====================

Không có nhận xét nào: