Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

Chợt Nhớ Một Ngày Mùa Đông


Chợt Nhớ Một Ngày Mùa Đông
 
*
 
Kỷ niệm một bài viết đã xa
 
 
**
 
 
Một Ngày Vui Vẻ
 
Vào một ngày rét mướt, nhiệt độ ngoài trời lúc này đã xuống dưới độ âm. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài, dọc ngang đầy mây xám vần vụ, có lẽ chẳng hy vọng vài ngày nữa có được một ngày đẹp nắng. Ngoại cảnh âm u xám xịt đó thực tình dễ làm người ta cảm thấy tình đời như đang đi vào ngõ hẹp. Tôi nghĩ tới nghĩ lui, chưa tìm ra giải pháp nào khả dĩ xóa đi những ưu phiền thường lảng vảng tìm đến.
"Đối diện với nỗi cô đơn, liệu tâm trí người ta sẽ tốt hơn hay sẽ tồi tệ hơn." Tôi chưa kịp đặt xong câu hỏi và tự sắp xếp câu trả lời thì tiếng chuông điện thoại đã reo lên nơi phòng khách.
 "A lô. Ai đó?"
 "Anh đó à. Mấy hôm nay anh vẫn được khỏe chứ?"
 Tôi nhận ra tiếng nói của Thơm, gần chục năm trước tình cờ gặp nhau ở trại tỵ nạn, quen thân với gia đình và nhận vợ chồng tôi là anh chị nuôi. Một cô gái dễ mến và cũng hay đùa vui. Tôi cũng cảm thấy vui, bèn cười trả lời:
 "Anh thì khi nào cũng khỏe, chỉ hơi túng tiền tiêu vặt thôi. Em có dư, cấp đỡ anh chút đỉnh."
 "Ôi, anh là hay nói vui đùa lắm đó. Bà xã nhà anh đâu? Em muốn nhờ chị giúp cho một việc. Mấy bữa nay em cứ hắt hơi hoài à, mắt lại cứ nháy lia..."
 "Ồ, việc này nên mừng đó. Chắc hẳn có anh nào ưa mến em và nói vài câu chuyện với em, rồi về tương tư nhớ đến em đó thôi."
 "Em cầu thánh thần mang anh đi. Mà anh này, thần thánh gặp anh cũng phải cười đó! Lúc này anh còn để ria mép chứ, hay là sợ vợ cạo béng đi rồi. Em cầu thánh thần thích tính vui nhộn của anh, đón mời anh đi luôn cho rồi!"
 "Ồ, được chung bước với thánh thần thì khỏi lo đói và khỏi lo khổ rồi. Mà em này, nhớ giữ bí mật lời cầu đó nghen. Kẻo nhiều người cầu là không đến lượt anh đâu."
 Cô em nuôi của tôi cười, và hình như sau vài giây nghĩ lại, cô nói:
 "Anh ơi, nói vui vậy thôi. Anh được thánh thần rước đi sớm thì những khi rảnh rỗi, em và chị ở nhà biết cùng ai nói vài chuyện vui? Thôi, em xá tội cho anh đó. Ồ, anh còn chưa trả lời em câu hỏi: Chị đâu rồi anh?"
 "Hôm nay tiệm bán đồ nhà bếp treo bảng bán hạ giá, nên bếp trưởng ăn sáng xong đã nhanh chân đến tiệm đó rồi."
 "Còn anh? Lúc này anh làm gì vậy?"
 "Anh đang ngồi nghĩ chuyện linh tinh thì em gọi điện thoại đến đó."
 Cô em nuối tôi hỏi, giọng có vẻ quan tâm:
 "Vài tháng nay anh có còn sáng tác thêm không?"
 Nghe hỏi tới nỗi muộn phiền đã hơn tháng nay tôi thường nghĩ đến, tôi nói:
 "Em cũng biết, nhân tài lúc này hiếm hoi như tinh tú giữa trời dông bão. Còn anh, còn lâu mới được gói là nhân tài. Bây giờ anh như thấy nhiều trở ngại quá. Biết viết gì đây giữa khi tình đời đôi lúc chênh vênh trắc trở và nhiều những suy tư, chọn lựa?"
 " Sao giọng anh rầu rĩ vậy?"
 " Anh chỉ nói ra một thực tế hiện giờ."
 "Đừng nên bi quan quá anh ơi. Em xem chừng các bạn anh đâu có thoái chí. Thỉnh thoảng họ cũng có thêm vài sáng tác mới đó."
 " Ồ, em đừng nên so sánh anh với họ. Bởi lẽ họ nhiều vốn sống hơn anh. Họ đến nơi này nơi kia nên họ từng trải hơn. Còn anh, mộng ước một chuyến viễn du đã lâu lắm rồi, mà chắc hẳn em cũng biết, vài năm nay anh vẫn ngồi một chỗ và mơ ước có một ngày vui vẻ với hành trang lên đường. Vốn liếng nghề văn mỗi ngày mỗi..."
 " Em cũng chỉ biết cầu chúc anh nhiều may mắn trên con đường anh đã chọn. Vậy là anh vẫn chưa có ý định bỏ nghiệp văn. Chúc mừng anh!"
 "Em chúc mừng anh khi này e quá sớm."
 "Tại sao vậy?"
 "Hiện nay anh có cảm tưởng trang bản thảo rộng bao la như sa mạc hoang vắng. Ngồi nghĩ bấn lên mà đã xong đâu."
 "Nhưng em tin anh sẽ xong việc này. Ngồi nghĩ lẩn thẩn là không xong rồi, anh ạ."
 "Anh cũng nghĩ vậy. Ngồi nghĩ vẩn vơ lại càng thấy rét hơn. Nhiều lúc phải viết để quên đi cái rét."
 " Hơn tuần nay ở bên này chúng em cũng thấy rét. Thời tiết mấy bữa nay chẳng hiểu sao rét mãi. Lò sưởi trong nhà vẫn ấm, nhưng vẫn cảm thấy rét."
 Tôi thoáng nhìn ra cửa sổ, khung trời vẫn xám mờ như trước..., đầu dây bên kia chợt có tiêng tiếp theo:
 "Có lẽ anh chẳng quan tâm đến chuyện thời tiết nhỉ. Phải vậy không?"
 Tôi trả lời:
 "Anh nghĩ, thường đến lúc nói chuyện thời tiết thì chắc hẳn câu chuyện đến lúc kết thúc rồi. À, mà hôm nay bỗng vui với ngày lạnh rét hay sao, ưa nói chuyện với anh dữ vậy?"
 "Anh đoán mới chỉ đúng một nửa. Em vừa dùng thêm chiếc điện thoại cầm tay nên bữa nay ngày cuối tuần gọi đến anh. Chẳng có ưa đâu nha!"
 "À ha. Vậy là em cũng khôn đấy nhỉ?"
 "Chuyển giúp em lời chúc chị luôn vui."
 "Sắp bai anh đó hả?"
 "Vâng, good bye, bai anh nhé!"
 "Ồ, anh biết ngay mà. Vậy anh cũng nói lời tạm biệt của một người hiện sống ở Bắc Âu vẫn nói: "Hây đô em!" ( Tiếng Thụy Điển: Hej då ! Hây đô ! ] = ( Chào ) Tạm biệt ! )
 
 Tôi đặt tay nghe điện thoại xuống và chợt nhớ đến tấm ảnh kỷ niệm ngày Tết gia đình khi còn ở Trại tỵ nạn, nay vẫn được đặt bên những tấm hình khác cùng một khung kính. Tôi đến bên khung ảnh và nhìn tấm hình. Phải, trong đời tôi và đời những bạn tôi quy tụ lại trong gia đình hôm ấy đã có những giây phút vui mừng, dù rằng vẫn phảng phất đâu đó nỗi khắc khoải đợi chờ... Họ cũng như tôi, luôn sống và mong một ngày mai tốt đẹp hơn, thân ái và gần gũi nhau, khích lệ nhau những lúc cảm thấy nhiều suy tư, băn khoăn khi phải chọn một hướng đời.
Tôi đến bên cửa sổ, nhìn khung trời lạnh giá, thầm cám ơn tấm hình kỷ niệm những bạn bè ngày trước và vui với niềm vui mới hôm nay.
 

Vũ Thụy Anh  
 
( Tạp chí  Văn Nghệ Ngày Nay số 3 / 1. 2002 )
 
**********************
 
 
Một Ngày Vui Vẻ
 
Vũ Thụy Anh
 
**********************
 
 
 
  
     

Không có nhận xét nào: