Những ngày mưa nắng ( 2 )
*
Những năm đầu mới đến Xứ Lạnh, sau các giờ học, tôi đến thư viện và có hôm ngồi trong phòng đọc sách đến khi nhìn ra ngoài trời thấy một màu tím hoàng hôn, biết là không thể ngồi chúi mắt chúi mũi vào sách báo hơn được nữa mới đành ra về. Một hôm cũng vào một ngày mùa hè nắng đẹp như hôm nay, tôi về đến nhà sớm hơn những ngày trước và nhận được một bì thư khá nặng tay. Trong bì thư có một trang thư của người gửi và vài ắn bản tạp chí Tự Do.
Người ta thường nói, mỗi người có một đam mê riêng, và tôi cũng có đam mê nhỏ nhoi là ưa nghe nhạc và thích xem sách, báo. Bởi vì thế nên tôi rất vui khi nhận được tạp chí gửi tặng và niềm vui rộn ràng hơn nữa khi biết ra lá thư gửi trong bì thư là của ông chủ nhiệm danh dự Hội Văn Hóa Việt Nam tại Thụy Điển. Sau này có dịp gặp gỡ thân thiết hơn, tôi được biết thêm 'những đoản thiên hồi tưởng' về một bỉnh bút xuất sắc và cũng là một dịch giả từng chuyển ngữ nhiều bài thơ để lại ấn tượng đẹp và nhiều cảm xúc khó quên nơi người đọc. Một quen biết tốt lành đôi khi đem đến nhiều điều hữu ích và ưa thích. Sau này, có một, hai lần đi bên ông thăm phố phường nơi ông sống, tôi có cám tưởng như đi bên người anh quí mến của tôi trong những ngày tôi còn ở quê nhà. Tình cảm ông dành cho tôi có một chút gì đó rất thân thiết, như tình cảm người anh lớn dành cho đứa em út trong gia đình. Ông chia sẻ với tôi những trải nghiệm trong đời làm báo, dịch thuật và tôi còn nhớ, có một lần ông kể cho tôi nghe về một chuyện tình, ánh mắt ông nhìn xa xa tưởng chừng người trong mộng một thời của ông còn ngồi nơi đó và vẫn còn vương vấn tình cũ nghĩa xưa...
Khi mở bì thư ra, tôi thật tình chưa hiểu tại sao ông chủ nhiệm danh dự tạp chí Tự Do ưu ái gửi thư và gửi tặng tôi vài số tạp chí. Qua vài dòng thư ông viết, tôi được biết, trong một dịp vui họp mặt đồng hương và thân hữu, ông tình cờ gặp một đứa cháu của tôi và qua lời thăm hỏi, ông biết tôi có tham gia sinh hoạt văn nghệ với vài văn, thi hữu Âu châu. Sau đó, theo địa chỉ đứa cháu tôi ghi lại, ông đã gửi thư và tạp chí Tự Do đến tôi.
Lúc này tôi chẳng thể nhớ thật đúng nhiều việc đã đến trong quãng ngày vừa kể. Chỉ nhớ là ông vẫn gửi đến tôi những số báo mới ấn bản, thư thăm hỏi và vài lần điện thoại đến tôi. Ông hơn tôi quãng chừng trên mười tuổi, và qua lời ông kể lại, tôi được biết thời thanh niên ông sống tại Sài Gòn, đúng ra là từ năm mười lăm tuổi và sống nơi đó đến ngày ông ra đi trên một chiếc thuyề̀n vượt biển. Ông vẫn còn giữ được những nếp xưa của đời sống phong lưu nơi đô thị, vào các ngày lễ vui đón Giáng sinh và Xuân mới, ông vẫn gởi những tấm thiệp màu sắc vui tươi đến tôi. Tuy ông sống đơn thân nhưng cách trang trí, trưng bày trong ngôi nhà ông rất đáng nể phục. Trong phòng khách của ông có bốn bức tường thì hai phía tường trưng bày sách. Sau bộ bàn ghế tiếp khách đặt giữa phòng là một kệ để các loại tạp chí. Một tủ toàn sách tự điển cao ngang đầu người đặt gần cửa bước ra vườn. Mảnh vườn nhỏ vài chục mét vuông nhưng có một luống rau xanh ( rau cải đắng, ăn sống rất ngon ! ). May là nơi ông ở cách xa thành phố lớn khoảng 12 km, nên tiền thuê nhà không nhiều và đặc biệt nơi đây gần trường đại học nên việc dùng Internet thuận lợi, đó là điều tôi ưng ý nhất.
Cảm khái bởi những ân cần quí mến của ông, một hôm vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi tìm lại trong 'ngăn kéo' vài truyện ngắn chưa viết xong, chọn ra một truyện ngắn viết tiếp và sau đó gửi đến ông. Thực ra, phần đầu truyện ngắn Thương Một Cuộc tình tôi đã viết xong từ hơn mười năm về trước, nhưng thực tình tôi không thể mường tượng nổi số phận hai nhân vật trong truyện sau này sẽ ra sao ? Ngày còn sống trong trại tỵ nạn, tôi có gửi truyện ngắn này đến một tòa soạn tạp chí Việt ngữ bên Đức, sau đó được tặng một số tạp chí, nhưng không rõ truyện ngắn này đã được đăng hay chưa? Ai đã từng viết nhiều truyện ngắn chắc hẳn biết rằng có vài truyện ngắn rất khó viết đoạn kết, có truyện ngắn chỉ viết xong một nửa truyện, rồi cứ để mãi trong 'ngăn kéo'. Đây có thể là một trong những bí ẩn về kỹ năng viết truyện ngắn mà tôi nghĩ là đến nay vẫn ít người lý giải hay 'giải mã' một cách vừa ý. Riêng tôi, tôi nghĩ là nên để nguyên một truyện ngắn viết chưa xong vào trong 'ngăn kéo' ( nếu truyện ngắn đó còn mãi nhắc nhở với người viết.. ), còn hơn là viết theo lối "viết quấy, viết quá" cho xong. Kết quả là làm hỏng một tác phẩm. Chợt nhớ có ai nói, có tác giả được người đời nhớ đến chỉ cần có một tác phẩm. Vậy thì để lại một nửa tác phẩm giá trị có hơn không ? Và chờ một ngày đẹp trời nào đó sẽ viết tiếp để hay hơn. Tôi thành thực tin chắc là hiện vẫn còn nhiều truyện ngắn để trong 'ngăn kéo' của nhiều người ưa thích viết thể loại truyện ngắn.
Xin trở lại vài dòng về truyện ngắn Thương Một Cuộc Tình. Mùa hè năm đó, tình cờ tôi được bạn bè kể cho nghe một câu chuyện về một đôi vợ chồng trẻ. Và tôi ngẫm nghĩ dùng 'chất liệu' nghe được làm đoạn kết truyện ngắn, nếu tôi nhớ không nhầm thì có một nhà văn nổi tiếng gọi kỹ năng này là biến cải tài liệu.
Có thể nói, truyện ngắn Thương Một Cuộc Tình có đoạn kết nhiều bạn đọc ngày nay một phần mang trong đó hình ảnh kỷ niệm của những người ly hương, kỷ niệm về tình yêu, tình bạn.
*Truyện ngắn Thương Một Cuộc Tình
cũng đã đăng tải trên một tạp chí có nhiều bạn đọc tại Châu Âu
trong số ra đặc biệt năm 2000.
**********************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét