Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Bàn thêm về TRUYỆN NGẮN ( 8 )

Bàn  thêm  về  TRUYỆN  NGẮN  ( 8 )
 


  Khi một nhà văn diễn đạt rành rẽ những tâm tư của riêng mình và bằng bút pháp lôi cuốn người đọc thì hiển nhiên tác phẩm được nhiều người đón nhận và có thêm sức sống.
Xin mạn phép giới thiệu tiếp nơi đây một đoạn văn ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân. Đọc xong đoạn văn ngắn, có thể ai đó sẽ hiểu ít nhiều về "lời văn hàm xúc, kín đáo, làm cho người đọc ham mê" của một "cây đại thụ văn học":
 "...
 Nàng đẩy tôi, tôi lại đẩy những người phía trước. Và cứ thế chúng tôi trôi trên con đường, trôi trong lòng con sông đào. Hai bờ hoa đào! Thỉnh thoảng, liếc ngang sang dòng người đi ngược bên phía tay phải, tôi đón nhận được bao nhiêu nụ cười của những giai nhân không quen biết. Những đóa hoa hàm tiếu kia chỉ hiện ra trong khoảnh khắc, nhanh như một tia sáng. Những hình ảnh ấm áp, tươi tỉnh ấy, hiện ra cho tôi đủ thời giờ để thèm tiếc, rồi lại u mờ  ngay, rồi lại lẩn ngay vào cái vô danh của đêm hội. Tôi có cảm tưởng đang đi một chuyến tàu tốc hành, gặp một chuyến tàu tốc hành khác lướt ngược qua, trên đó có một người đẹp. Kẻ lữ hành xinh đẹp kia, chỉ lướt qua mắt tôi, chỉ đủ giây lát giơ cánh tay đeo vòng ngọc vẫy một chiếc mùi xoa màu nhạt... với một nụ cười chân thật đãi người tình chủng qua đường. Rồi mất. Rồi hết. Ây trong cuộc sống người ta thường đi qua cuộc đời nhau và trong cái nhanh chóng của tình cờ gặp gỡ, người ta đã sẵn có nhiều thiện cảm đối với nhau. Để rồi sau này, không có lúc nào gặp nhau lần nữa. Để rồi chỉ nhớ tiếc nhau trong hình ảnh lờ mờ, để rồi chỉ chờ đợi nhau trong một buổi tái ngộ không bao giờ đến. Giống đa tình hay vướng phải thứ tình cảm không có hậu."
( Trích Một Ngày Một Đêm Cuối Năm / Tuyển Tập Nguyễn Tuân )
 
Đọc đoạn văn ngắn trên, người đọc hiểu thêm Nguyễn Tuân không những là nhà văn từng đứng đầu viết tùy bút mà ông còn dư khả năng trong thể loại truyện ngắn, truyện dài và đặc biệt với cách hành văn rất linh động, một phong cách hiện đại thật ít nhà văn nào cùng thời có được.
Nguyễn Tuân còn khác hẳn nhiều nhà văn sống những năm 40 thế kỷ trước ở một điểm: Ông thường viết trong tác phẩm những dòng tâm tình và tường thuật kinh nghiệm viết văn của ông đến với người đọc; những trăn trở của người cầm bút và nỗi lòng trống vắng của nhà văn trong lộ trình sáng tạo. Ông đã có một thời chia sẻ những ưu tư, cảm nhận với người đọc để  rồi sau những lần đó, ông nghiệm ra: "Cuộc đời con người làm văn có cái vẻ như chỉ có hai việc: chân thì đi mà tay thì viết. Có người dừng chân rồi tay mới bắt đầu viết. Có người đang viết thấy như hết chữ dùng buông bút đó bỏ đi một chặp, lúc trở về lại xuống bút đều đều. Cũng có kẻ thì vừa đi vừa viết, lại có những tay đi đến đâu thì là viết được ngay đến đấy. Đi và viết, một nhà văn lớp cũ ở ta trong một cuốn sách in ra năm 1943, đã nói một cách vui vui và chí lý: "Đi để lấy cái mà viết; viết để lấy cái mà đi". Nghề văn hình như không cho phép người ta được mỏi tay được mỏi chân...".  ( Theo Tạp chí Tác Phẩm Mới, số 18 ) 
 
**********************
         

Không có nhận xét nào: