Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016

HAI MÙA MƯA NẮNG


  Gần một tháng nay, mỗi sáng thức dậy tôi chỉ nhìn thấy một màu xanh trên nền trời ngoài khung cửa sổ, khi thì một màu xanh lơ, lúc lại là một màu xanh thẫm, những cụm mây thường lang thang đây đó nay đã bay tứ tán về phương nào. Gần một tháng nắng nóng và không mưa.

Ông bạn Bắc kỳ sống ở dãy nhà cách nhà tôi một con phố, mới hôm nao tuần trước gặp tôi than vãn về chuỵện thời tiết, ông bảo: "Mùa hè năm ngoái thì mưa tầm mưa tã, cơn này chưa ngớt cơn kia đã tới. Mùa hè năm nay thì nắng không để đâu h́ết nắng, nắng làm khô cả da rụng cả tóc". Vừa nheo một bên mắt nhìn nắng trải trên đường, vừa đưa bàn tay lên vuốt tóc, ông nói tiếp: "Trên đầu mình, tóc xanh năm xưa rơi rụng dần, nay chỉ còn lưa thưa vài nhúm tóc, vậy mà nắng nóng đến trên dưới ba mươi độ thế này thì đến đầu cũng bốc khói chớ đừng nói gì đến tóc!".

Dân Bắc kỳ xem ra kỳ thật. Bà bạn thân của mẹ tôi ngày xưa cũng từng nói với mẹ tôi những lời có thấp thoáng vài hình ảnh khiến người nghe không khỏi mỉm cười. Nhớ lại, một hôm bà cầm gói trà ngon đến nhà và bảo mẹ tôi pha trà để cùng uống. Chẳng biết mẹ tôi hôm ấy pha trà theo cách nào mà bà bạn khi nhấc chiếc ấm tích pha trà lên, bà bỗng nói với giọng thảng thốt giận hờn: "Gói trà ngon là thế, bà pha đến một huyện hai nước thế này. Bà và tôi uống đến sáng mai à?".

Câu nói một thời xa xưa, tại sao vẫn còn đọng lại trong ký ức đến giờ? Hai bà nay đã quy tiên, ngày tháng cũ nay xa xôi mờ nhạt, thế nhưng hình ảnh "một huyện hai nước"(thực ra có thể chỉ là gần đầy một ấm tích nước) đôi lúc vẫn còn thấy thoáng ẩn hiện ở đâu đó.

*
Những ngày tháng cách nay một năm hẳn là nhiều người sống nơi đây và tôi chưa thể quên. Bởi quãng thời gian ấy để lại vài kỷ niệm trong một quãng đời. Thông thường ở đời có người ngồi trầm tư nhớ lại vài kỷ niệm đã qua, đây là một cách khiến người nhiều tuổi giảm thiểu bệnh lão hóa. Ai còn sống thì thể nào rồi cũng đến cái thời "tuổi già xồng xộc theo sau". Vậy thì lúc này đây, khi sắp bước vào tuổi già, gần già (gần hưởng hưu hay mới hưởng hưu), hãy nên 'tham khảo' vài cách thức chống lão hóa là hay nhất, đừng để khi "mười phần ốm yếu đến thân rồi mới nhanh chân nhảy vô bệnh xá". Đây là lời khuyên chí tình của ông bạn Bắc kỳ di cư nay sống gần nhà. Cảm tạ một tấm lòng tử tế.

Mùa Hè năm ngoái đúng là những ngày "mưa tầm mưa tã", mưa ngập đường ngập phố. Mưa ngày này nối ngày khác. Mưa nhiều đến nỗi khiến những chủ tiệm bán đồ dùng trong mùa hè biểu lộ vẻ chán ngán thất vọng trên khuôn mặt. Những kho đầy ắp đồ dùng để bán trong dịp hè, nay ... nằm chờ mưa tạnh không nhúc nhích. Ai có dịp chạy xe lướt qua bên phía ngoài vài tiệm bán bàn ghế để ngoài trời vào thời điểm mùa hè năm trước hẳn nhìn rõ những tấm bảng to, có những dòng chữ và con số lớn: giảm giá 50% đến 70%. Thế nhưng rất ít người bỏ tiền "đầu tư" vào những thứ mua về để cất vào kho hoặc hy vọng "ngày mai trời sẽ tạnh", khi mà nhìn lên bầu trời lúc nào cũng sũng nước, và trên màn ảnh TV trong nhà vài ngày lại thấy cảnh tại một, hai nước láng giềng mưa lũ kéo trôi từng mảng nhà cửa, đường phố...

Ấy thế mà tự dưng đến tháng cuối hè, bỗng nhiên đúng là "có tin vui giữa giờ tuyệt vọng"! Tự nhiên bầu trời quang tạnh hẳn, dân chúng quăng ô, dù vào xó tủ; nơi làng xa cho đến tỉnh gần, ai nấy hân hoan, trẻ nhỏ reo mừng. Sau những cơn mưa dài, đường phố sạch sẽ tinh tươm, vườn tược cây xanh tươi tắn tràn đầy sức sống. Người ta sống tiếp và vui với niềm vui cuối một mùa nắng. Ai chẳng háo hức, vui thích thưởng thức những ngày hè nắng vàng trải rực rỡ? Những bộ bàn ghế dùng ngoài trời trở nên đắt hàng và các chủ tiệm bán đồ dùng mùa hè tươi cười hớn hở, nét mặt tựa hoa mùa xuân, lời nói đượm đà dịu ngọt và niềm nở ân cần với khách mua đồ. Ai cũng nghĩ rằng, mùa hè này đúng là một mùa hè fantastisk (tuyệt diệu). Người ta chúc nhau vui khoẻ bên bàn tiệc ngoài trời, bên những thức ăn toả hương vị thơm nức mũi và bên những thức uống ưa thích để mừng đón những ngày hè còn lại rực rỡ và vui thích nhắt. 

tháng 7. 2016
Vân Võ Hoài Phương

**********************

 

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Hai Nét Đẹp Gần Nhà Trong Mùa Nắng Mới


Hai Nét Đẹp Gần Nhà Trong Mùa Nắng Mới

*


*


**********************

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Vài Cuốn Sách và Những Niềm Vui ( 4 )

 Những tiệm sách và thư viện trong vùng là những nơi có nhiều người thường dùng thời giờ rảnh rỗi đến thăm. Và tôi, nhiều năm qua, giống y chang một lữ khách đường xa, khi mỏi mệt hay lúc rảnh rang cũng thường ngồi vài giờ trong thư viện hoặc dành ít phút thảnh thơi nơi vài tiệm sách.
 
Một tiệm sách có "tên tuổi" gần như tuần nào, tháng nào - nếu ai có dịp ghé qua thăm - sẽ thấy trong tiệm sách thường vẫn có nhiều sách mới xuất bản bên cạnh những đồ dùng được gọi là "văn phòng phẩm" loại mới. Còn thư viện lại có nhiều cuốn sách thuộc loại "kinh điển" lưu trữ, và còn có nhiều báo, tạp chí xưa nay để bạn đọc cần đọc. Tuy nhiên, tại những thành phố đông dân, trong vài thư viện tầm cỡ (thư viện chính trong tỉnh), nhân viên thư viện thường trưng bày vài kệ sách vừa xuất bản, và bạn đọc có thể mượn ngay những cuốn sách, những tác phẩm mới tinh vừa được trình làng.

Nhân tiện nói thêm đôi chút. Ở nơi tôi hiện sống, tại vài vùng ngoại ô, cách xa trung tâm thành phố chừng 5 đến 7 km, ngoài các siêu thị nhỏ bán thực phẩm, đồ dùng gia đình cho dân cư quanh vùng, người ta làm thêm sân, nhà tập luyện thể thao gồm sân, bãi thi đấu và luyện tập bóng tròn, bóng rổ và còn có một thư viện nhỏ để những người ưa thích đọc sách, đọc báo nơi ít dân cư thường đến; nhưng dĩ nhiên sách báo không nhiều như thư viện tỉnh. Còn trong thư viện chính, về số sách dành cho các nhóm di dân thì có chừng hơn mươi kệ sách ngoại ngữ, và có kệ sách riêng trưng bày nhiều tác phẩm văn học nước ngoài. Đôi khi, vài tác phẩm bằng Việt ngữ cũng thi thoảng thấy có nơi đây.


Kệ sách giới thiệu sách mới xuất bản:
 "NYA UTLÄNDSKA BÖCKER"(Những tác phẩm ngoại ngữ mới)


*

Kệ sách "NYA UTLÄNDSKA"

*


Còn đây là hai ngăn sách sưu tập chưa có dịp kể đến trong nhà..

**********************

 

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Đặc Ân Thiên Nhiên ( 2 )

 Những năm mới bước vào đời, có không ít người dùng hình ảnh "ngưỡng cửa cuộc đời" để nói tới cảnh bắt đầu một cuộc sống xa mái ấm gia đình, một thân một mình bước qua "ngưỡng cửa đời" để tới một chốn, hay nhiều nơi mà người đời thường vẫn gọi là chốn phong trần, cõi đời gió bụi. Ai cũng biết là tại các quốc gia có ý thức về phát triển văn hóa, người ta rất coi trọng việc giáo huấn cho lứa tuổi còn 'chân ướt chân ráo', 'chập chững vào đời' bằng một kho sách vở kinh nghiệm của các tác gia và nhiều học giả uy tín. Phải chăng đây là nền tảng căn bản cần cho việc phát triển những ý thức tốt? Còn kho sách trải nghiệm quý giá kia chẳng khác chiếc la-bàn giúp bạn trẻ khỏi lạc lối, sa chân giữa muôn vạn hiểm nguy trong đời?

Những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, khi đó, anh tôi chưa tới hai mươi tuổi. Quãng thời gian này thời thế và xã hội miền Bắc đang có nhiều biến động dữ dội. Ở nhiều làng quê, tai tiếng các cảnh đấu tố oan nghiệt xảy ra khi cuộc Cải Cách Ruộng Đất lan rộng khiến nhiều tin dữ lan truyền, một không khí sợ hãi bao trùm xã hội. Còn tại vài thành phố lớn, cuộc "đánh tư sản, tư thương" làm nhiều người chẳng còn biết đến ngày mai, nhiều năm trời đổ mồ hôi, sức lực gây dựng nay bỗng "bừng mắt thấy mình tay không"! Đường phố, ngõ ngách nào cũng có công an theo dõi, quản lý. Mỗi gia đình được phát một sổ hộ tịch, một sổ khai báo thường trú (có người mới đến gia đình, phải khai báo để công an khu vực biết), một sổ gạo theo số người trong gia đình (ngoài việc dùng để mua gạo, sổ này còn có tác dụng "cắt gạo" / không hưởng 'tiêu chuẩn' mua gạo nếu một người trong gia đình trốn tránh 'đi bộ đội', hoặc vì lý do yếu sức khỏe không 'đi lao động nghĩa vụ' đào đất, đào hồ...). 

 Nhưng còn hơn thế nữa là việc kê khai lý lịch, khai báo thành phần - một đòn đánh mạnh vào rất nhiều tầng lớp trong xã hội miền Bắc những năm có Cải Cách Ruộng Đất và Đánh đổ tư sản, tư thương (kể cả những gia đình buôn bán nhỏ), thành phần này được gọi chung là "giai cấp bóc lột". Đến nay nhiều người hẳn chưa quên cảnh đấu tố khi người con gọi hai đấng sinh thành ra mình là "thằng kia, con nọ". Phải chăng đây là cuộc cách mạng mất hết tính người? không ít người đã hoang mang tự hỏi. Thực trạng những năm khủng khiếp đấu tố, đánh tư sản tư thương khiến nhiều người kinh sợ. Dường như đến thời điểm này  mọi người mới bắt đầu hiểu về chủ nghĩa cộng sản và "xã hội chủ nghĩa". Việc "kê khai lý lịch", "khai báo thành phần" gây ra tổn thương về tinh thần không chỉ một thế hệ  mà còn hệ lụy đến thế hệ sau. Một thành phần nữa nên nói đến là những công chức, những ai tham dự, cộng tác với thời trước đều được gọi là "tề, ngụy". Một điều đến nay ai cũng biết là kiểm soát "lý lịch gia đình" dưới chế độ cộng sản là thứ bất thành văn, khắc nghiệt và gạt bỏ nhiều tầng lớp người cộng sản không ưa trong xã hội.

Sở dĩ kẻ viết phải nói qua vài cảnh từng được nghe và thấy những năm đầu thập niên 60s trên đất Bắc bởi một đôi lần từng gặp và nói chuyện với một, hai 'nhân vật' quen biết đã để lại ấn tượng không phai mờ trong ký ức. Một câu hỏi cả hai 'nhân vật' đặt ra là "Hồi sống tại miền Bắc, anh có 'đi bộ đội' không?". Sau câu hỏi ấy thì cả hai đều nhìn tôi với ánh mắt rất chăm chú. Dẫu rằng hai cuộc gặp nói chuyện cách nhau một thời gian dài nhưng tôi còn nhớ rõ và hiểu ít nhiều tâm trạng lúc ấy của hai người: một ông người Bắc di cư vào Nam từ năm 1954 và một anh trạc tuổi tôi nhưng chính gốc gần Sài Gòn, từng là chiến sĩ hải quân trên một chiến hạm của VNCH (anh có cho tôi xem tấm hình thời anh sống trong quân đội). Tôi biết, trả lời "có" hoặc "không" là rất dễ dàng. Thế nhưng đằng sau "không" hay "có" là cả một câu chuyện rất dài. Trong lúc nghe lời hỏi của hai 'ông bạn' mới quen, tôi thoáng nghĩ trong một phút và sau đó cố tìm hiểu về những "sự hiểu biết" của hai người về đất Bắc một thời đó. Thì ra điều có người gọi là thành kiến trong đó có ít nhiều những cảnh đời chưa biết...

(còn tiếp)

VVHP
   

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Vài Cuốn Sách và Những Niềm Vui ( 3 )


Ảnh kỷ niệm 2015


Thường sau một chuyến viễn du, đôi khi có người hay ngồi ngẫm nghĩ về vài kỷ niệm. Với tôi, kỷ niệm trong chuyến qua Mỹ vào dịp mùa xuân 2015 được ghi lại bằng những tấm hình để nay có lúc xem lại, bỗng chợt thấy thấp thoáng hình dáng 'bản sao' của mình trong những ngày đã qua.

Bởi lẻ loi một mình trên chặng đường xa nên tôi gặp không ít xui xẻo, và thật khác hẳn với lời của R. Kipling khi nói đến du lịch: "Người du lịch cô độc du lịch mau hơn." Riêng tôi, trải qua vài chuyến bay đường dài, tôi nghiệm ra là khi du lịch xa, càng mang ít hành lý thì càng đỡ mệt. Nhưng khổ một nỗi với thời đại vi tính, khi xa nhà cần nhiều thứ gồm: láp tóp, máy ảnh, các sổ ghi chép... Thời của nhà học giả Nguyễn Hiến Lê có vẻ nhẹ nhàng và ít áp lực hơn bây giờ khi ông tâm sự trong một tác phẩm:

"Theo tôi, cuộc sống sướng nhất cho nhà văn là mỗi năm được du lịch bốn, năm tháng, vừa đi chơi vừa suy nghĩ, nhận xét tìm đề tài, rồi về đô thị thăm bạn bè, nhà xuất bản, tra cứu tại thư viện, sau hết kiếm nơi tĩnh mịch viết trong năm, sáu tháng, mỗi ngày viết độ bốn, năm giờ.

Tất nhiên, phải vào hạng ông hoàng trên văn đàn Âu, Mỹ mới có thể sống một cuộc đời phong lưu an nhàn như vậy. Còn như văn nhân nước mình, nếu không có một nghề thứ nhì thì dẫu cắm cổ viết suốt năm, mỗi ngày bảy, tám giờ, cũng không đủ sống..." (ngưng trích).

Còn trong thời @ này - dẫu là thường dân hoặc văn nhân - ai có ký kóp mãi may ra vài năm mới đi du lịch xa một chuyến; mà nhiều người vẫn biết, văn nhân lại khó dành dụm. Còn tôi thuộc loại lưng chừng, chẳng giàu mà cũng không nghèo. Chỉ nhờ ít khi "vung tay quá trán", và nghĩ trước sau thể nào cũng có ngày nghỉ hưu, nên cố để ra một khoản cần chi dùng nếu có dịp du lịch xa. Và ước mong lớn nhất của tôi trong chuyến viễn du là tìm được những cuốn sách ưa thích cần đến khi tuổi xế chiều.

*

Khi về đến nhà nghỉ vào lúc xế trưa, tâm trí tôi vẫn mải nghĩ về cuốn sách đã nhìn thấy trong tiệm sách gần nhà. Cuốn sách có tựa đề rất khó... diễn tả: "UỐNG LỘN THUỐC TIÊN", tác giả Bình Nguyên Lộc.

Thật khó diễn tả cảm nghĩ của tôi lúc nhìn thấy tác phẩm của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Thoáng xem thể loại là "Truyện", nên tôi dự định sẽ mua sau. Và xế trưa hôm ấy tôi chỉ kịp mua hai quyển tôi thấy cần đọc ngay.

Gặp anh bạn mới quen trong chuyến viễn du ở gần nhà nghỉ, qua vài lần làm quen và nói chuyện, tôi được biết hiện nay anh giảng dạy Anh ngữ cho một số người mới qua và anh có một thời viết một, hai tác phẩm từng được xuất bản vài năm trước.

Ngỡ gặp được văn nhân ưa chuộng văn chương chữ nghĩa, nên tôi vui mừng khoe với anh vài cuốn sách vừa mua. Thật chẳng ngờ nét mặt anh lúc âý thật dửng dưng, gần giống vẻ lãnh đạm của người chưa bao giờ làm bạn với những cuốn sách. Anh nói ngắn gọn và chẳng mặn mà cho lắm: "Sách, báo lúc này là những thứ chẳng cần thiết."

Ngẫm nghĩ kỹ, "khách quan và nhiều chiều" theo vài người đã nói, thì ta cũng không thể chê trách anh. Chợt nhớ vài năm trước, thời tôi còn làm trong một hãng nhỏ, có đến 2 năm tôi không đọc một cuốn sách nào. Thi thoảng một, hai tuần có đến thư viện trong vùng, cũng chỉ xem qua vài quyển tạp chí về đời sống. Ngày thường đi làm từ thứ Hai đến thứ Sáu, cuối tuần được nghỉ 2 ngày là thứ Bảy và Chủ Nhật còn nhiều việc cần làm cho bản thân. Nếu trong quãng ngày tháng ấy, có ai đưa tôi một, hai cuốn sách, có thể tôi cũng nhìn với ánh mắt dửng dưng thôi.

Thế rồi bỗng nhiên có một ngày, đến nay chẳng còn nhớ hôm ấy tôi có việc lên phố để mua thứ gì, và nhân tiện tôi rẽ qua thư viện. Khi xem qua vài số tạp chí, theo lệ thường, tôi qua nơi thường trình bày các tác phẩm mới xuất bản. Thật chẳng ngờ tôi nhìn thấy một cuốn sách có tựa đề "1001 Böcker Du Måste Läsa Innan Du Dör", (tạm dịch "1001 Tác Phẩm Bạn Cần Đọc Trước Khi Bạn Chết"), tác giả Göran Hägg.

Đọc xong tựa đề cuốn sách, tôi cảm thấy trong người nóng ran. Cái "sự đọc" từ thời trai trẻ của tôi trải qua vài chục năm bỗng dưng đứng sững lại khi nhìn thấy tác phẩm vừa xuất bản này. Và hôm nay gặp ngày rảnh rỗi, xin được "tường trình" qua về cuốn sách:


Hình bìa tác phẩm: Nhà văn ERMEST HEMINGWAY
sách dày 960 trang
Nhà xuất bản Wahiström & Widstrand
sách in lần đầu 2008

*

Tác giả GÖRAN HÄGG
(*Những tác phẩm của Göran Hägg đã xuất bản:
- Den Svenska literaturhistorien 1996
- Världens literaturhistoria 2000
- Svenskhetens historia 2003
và một số tác phẩm khác..)

**********************

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

SƯU TẦM: SÁCH CŨ & SÁCH MỚI ( 2 )



Nhân lúc rảnh rổi, xem lại vài cuốn sách..

*

VĂN HỌC THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI
BỬU Ý dịch
XUÂN THU (California) xuất bản
Sách hơn 500 trang
Những trang cuối tác phẩm có nhiều
hình ảnh, câu nói, đoạn viết
của các nhà văn tên tuổi thế giới.
(cuốn này tôi gửi mua bên Hoa Kỳ, những năm đâu thập niên 90).

*



Trong chuyến viễn du gần đây (sang Mỹ)
tôi tìm mua được mươi cuốn được kể là hiếm.
Cuốn trên, tác giả: NGUYỄN HẢI HÀ
theo vài lời giới thiệu trong tác phẩm
Ông sinh ngày 13/03/1938
Tỵ nạn tại Hoa Kỳ từ 1984, và đã có những tác phẩm THƠ
xuất bản từ trong nước và hải ngoại, những năm:1967, 1970, 1987, 1997,2004..

Riêng cuốn VIỆT NAM Thi Văn Hải Ngoại 1975-2003, Trích Tuyển & Chú Thích
HỌC THUẬT xuất bản, 264 trang - theo tôi, rất cần thiết với nhiều người ưa thích văn học,
bởi tác giả đã chú thích nghĩa chữ rất rõ ràng, am hiểu.
Một cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình!



"Vài Kỷ Niệm Về Mấy VĂN, THI SĨ HIỆN ĐẠI"
(KÝ ỨC - PHÊ BÌNH)
tác giả: BÀNG BÁ LÂN
XÂY DỰNG xuất bản, 234 trang
(sách gửi mua bên Mỹ hồi đầu thập niên 90)

*



Với nhiều cuốn sách bạn từng nhìn thấy, dù trong tiệm sách hay trong thư viện,
thì tựa sách và tên tác giả là điều quyết định để bạn mua cuốn sách hay
để bạn mượn cuốn sách đó. Nhiều nhà xuất bản rất quan tâm đến tựa sách
và cách trình bày bìa sách, còn tên tác giả - hẳn nhiên là phải ít nhiều quen biết.
Cuốn CŨNG CẦN CÓ NHAU, tác giả: HOÀNG XUÂN SƠN
 (374 trang, in trên giấy tốt, có nhiều hình lưu niệm  xưa và nay)
 theo nhận xét của vài bạn hữu, vừa xuất hiện
đã lọt vào "mắt xanh" và mắt đeo kính cận.
 Lúc này - tựa sách, tên tác giả và kẻ chuộng sách - chẳng khác nào
"thiên thời - địa lợi - nhân hòa"! Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn may mắn thay!

*

CHÚC VUI !

**********************