Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Đặc Ân Thiên Nhiên ( 2 )

 Những năm mới bước vào đời, có không ít người dùng hình ảnh "ngưỡng cửa cuộc đời" để nói tới cảnh bắt đầu một cuộc sống xa mái ấm gia đình, một thân một mình bước qua "ngưỡng cửa đời" để tới một chốn, hay nhiều nơi mà người đời thường vẫn gọi là chốn phong trần, cõi đời gió bụi. Ai cũng biết là tại các quốc gia có ý thức về phát triển văn hóa, người ta rất coi trọng việc giáo huấn cho lứa tuổi còn 'chân ướt chân ráo', 'chập chững vào đời' bằng một kho sách vở kinh nghiệm của các tác gia và nhiều học giả uy tín. Phải chăng đây là nền tảng căn bản cần cho việc phát triển những ý thức tốt? Còn kho sách trải nghiệm quý giá kia chẳng khác chiếc la-bàn giúp bạn trẻ khỏi lạc lối, sa chân giữa muôn vạn hiểm nguy trong đời?

Những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, khi đó, anh tôi chưa tới hai mươi tuổi. Quãng thời gian này thời thế và xã hội miền Bắc đang có nhiều biến động dữ dội. Ở nhiều làng quê, tai tiếng các cảnh đấu tố oan nghiệt xảy ra khi cuộc Cải Cách Ruộng Đất lan rộng khiến nhiều tin dữ lan truyền, một không khí sợ hãi bao trùm xã hội. Còn tại vài thành phố lớn, cuộc "đánh tư sản, tư thương" làm nhiều người chẳng còn biết đến ngày mai, nhiều năm trời đổ mồ hôi, sức lực gây dựng nay bỗng "bừng mắt thấy mình tay không"! Đường phố, ngõ ngách nào cũng có công an theo dõi, quản lý. Mỗi gia đình được phát một sổ hộ tịch, một sổ khai báo thường trú (có người mới đến gia đình, phải khai báo để công an khu vực biết), một sổ gạo theo số người trong gia đình (ngoài việc dùng để mua gạo, sổ này còn có tác dụng "cắt gạo" / không hưởng 'tiêu chuẩn' mua gạo nếu một người trong gia đình trốn tránh 'đi bộ đội', hoặc vì lý do yếu sức khỏe không 'đi lao động nghĩa vụ' đào đất, đào hồ...). 

 Nhưng còn hơn thế nữa là việc kê khai lý lịch, khai báo thành phần - một đòn đánh mạnh vào rất nhiều tầng lớp trong xã hội miền Bắc những năm có Cải Cách Ruộng Đất và Đánh đổ tư sản, tư thương (kể cả những gia đình buôn bán nhỏ), thành phần này được gọi chung là "giai cấp bóc lột". Đến nay nhiều người hẳn chưa quên cảnh đấu tố khi người con gọi hai đấng sinh thành ra mình là "thằng kia, con nọ". Phải chăng đây là cuộc cách mạng mất hết tính người? không ít người đã hoang mang tự hỏi. Thực trạng những năm khủng khiếp đấu tố, đánh tư sản tư thương khiến nhiều người kinh sợ. Dường như đến thời điểm này  mọi người mới bắt đầu hiểu về chủ nghĩa cộng sản và "xã hội chủ nghĩa". Việc "kê khai lý lịch", "khai báo thành phần" gây ra tổn thương về tinh thần không chỉ một thế hệ  mà còn hệ lụy đến thế hệ sau. Một thành phần nữa nên nói đến là những công chức, những ai tham dự, cộng tác với thời trước đều được gọi là "tề, ngụy". Một điều đến nay ai cũng biết là kiểm soát "lý lịch gia đình" dưới chế độ cộng sản là thứ bất thành văn, khắc nghiệt và gạt bỏ nhiều tầng lớp người cộng sản không ưa trong xã hội.

Sở dĩ kẻ viết phải nói qua vài cảnh từng được nghe và thấy những năm đầu thập niên 60s trên đất Bắc bởi một đôi lần từng gặp và nói chuyện với một, hai 'nhân vật' quen biết đã để lại ấn tượng không phai mờ trong ký ức. Một câu hỏi cả hai 'nhân vật' đặt ra là "Hồi sống tại miền Bắc, anh có 'đi bộ đội' không?". Sau câu hỏi ấy thì cả hai đều nhìn tôi với ánh mắt rất chăm chú. Dẫu rằng hai cuộc gặp nói chuyện cách nhau một thời gian dài nhưng tôi còn nhớ rõ và hiểu ít nhiều tâm trạng lúc ấy của hai người: một ông người Bắc di cư vào Nam từ năm 1954 và một anh trạc tuổi tôi nhưng chính gốc gần Sài Gòn, từng là chiến sĩ hải quân trên một chiến hạm của VNCH (anh có cho tôi xem tấm hình thời anh sống trong quân đội). Tôi biết, trả lời "có" hoặc "không" là rất dễ dàng. Thế nhưng đằng sau "không" hay "có" là cả một câu chuyện rất dài. Trong lúc nghe lời hỏi của hai 'ông bạn' mới quen, tôi thoáng nghĩ trong một phút và sau đó cố tìm hiểu về những "sự hiểu biết" của hai người về đất Bắc một thời đó. Thì ra điều có người gọi là thành kiến trong đó có ít nhiều những cảnh đời chưa biết...

(còn tiếp)

VVHP
   

Không có nhận xét nào: