Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

NHỚ & ĐỌC, trong những ngày mưa tuyết ( 4 )


 Anh bạn thơ Lê Dã Sử trong bài thơ Mộng Ước Bình Thường đã phác thảo về người bạn đời lý tưởng "rất bình thường" của anh bằng những nét có vẻ đơn thuần và mộc mạc:

"Rất bình thường mộng ước chơi vơi
 mái ấm êm vui ánh rạng ngời
 một hiền thê dịu dàng, chung thỉ
 đôi ba trẻ học, hát à ơi."

Và Lê Dã Sử tưởng tượng đến một hôm:

 "Khi tôi lữ khách dặm đường xa
 mưa bão canh thâu giữa hải hà
 nàng ở nhà chong đèn thắc thỏm
 cầu người may mắn nạn tai qua."

Người ta thường cho rằng thi sĩ là người có tài làm thơ. Riêng tôi, khi đọc những bài thơ của Lê Dã Sử, tôi cảm nhận thêm là các nhà thơ còn có tài thể hiện nhiều hình ảnh đời thường chẳng hạn cảnh "mưa bão canh thâu giữa hải hà, nàng ở nhà chong đèn thắc thỏm, cầu người may mắn nạn tai qua" như nhà thơ họ Lê diễn tả.

Xưa nay những cảnh trăng sáng, trăng thanh, trăng treo đỉnh núi, hoặc hoa thơm chớm nở ... đã có rất nhiều trong thơ ca. Còn Lê Dã Sử dùng phối cảnh này để nói đến điều gì ? ta thử ngẫm nghĩ thêm về cảnh đời qua hai câu thơ:

 "Trăng lên, mời rượu, xem hoa nở
 địa đàng đấy hãy thỏa yêu si."  

Ai chẳng mong có dịp vui cảnh điền viên với người bạn đời, và hiển nhiên với những người sống chơn chất khi có gia đình, họ thường mong một đời sống yên lành, vui hưởng. Kho tàng thi phú từng có nhiều bài thơ và những áng thơ trác tuyệt về hoa thơm, trăng tỏ ví dụ câu thơ "khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên". Cảnh "trăng lên, mời rượu, xem hoa nở" của Lê Dã Sử vừa có vẻ thảnh thơi vừa phảng phất chất men say của rượu, tuy rằng mới mời mà chưa uống... ( kẻ viết không rành về rượu, nhưng từng nghe nói "rượu tình chưa uống đã say", có thể là thứ rượu trong cảnh "trăng lên, hoa nở" này chăng?). Đến đây thì mộng ước bình thường của tác giả bài thơ đã thăng hoa và anh coi cảnh này giống hệt cảnh "địa đàng" / một "Paradis" (nơi thần tiên, sung sướng).

Một bạn thơ quen thuộc, có lần nói với tôi về "chất lãng mạn" trong thơ, và lời nhận xét khi ấy của anh khiến tôi đôi lúc tự liên hệ tới vài bài thơ đã biết. Anh nói đại khái rằng, "thơ chưa lãng mạn, chưa hẳn là thi sĩ". Đôi khi người ta nói tới vài bài thơ đại loại 'thơ thẩn', thơ 'khô khốc', thơ 'tào lao', thơ 'hiện sinh'... Nhưng thật tình đến nay tôi chẳng rõ mức độ "lãng mạn" trong những bài thơ từng biết đến ra sao, hoặc giả thứ lý thuyết và nhiều thuật ngữ anh dùng đã làm tôi thêm khó hiểu về điều anh nói tới; hay là, tôi chỉ cảm nhận những hình ảnh lãng mạn trong vài bài thơ thôi, còn nói đến "chất lãng mạn" chắc hẳn vấn đề này xa vời lắm.

Riêng với người làm thơ Lê Dã Sử, tôi nghĩ, thơ của anh dễ cảm nhận bằng nhiều hình ảnh đời thường và  người thưởng ngoạn thấy trong bài thơ của anh có bóng dáng họ, có vài hình ảnh lãng mạn thoáng qua, có tâm tư của họ , có những mong ước họ chưa kịp nói ra. Khoảng cách giữa nhà thơ và người yêu thơ có thể được rút ngắn và trở nên gần gũi thân quen với nhiều bài thơ có chung tâm sự hoặc kỷ niệm ngoài đời và cũng có khi, như người ta đã nói, tác giả bài thơ đã tự đào một hố sâu ngăn cách, biệt lập với nhiều câu thơ 'bí hiểm'. 

Trong 'mộng ước bình thường' của Lê Dã Sử, có một "ước" lý tưởng. Sở dĩ trong bài này nói đến chữ lý tưởng, và nơi mở bài có nói đến "người bạn đời lý tưởng", vì, theo tôi, nhà thơ có một "ước" rất thực tế về người bạn đời mai sau, với cảnh sống chung tình viết lách, cùng chung vui hạnh phúc bền lâu:

 "Chiều xuân hứng chí dệt câu thơ
 em hãy cùng tôi mở bến bờ
 chép giúp bản thảo, thêm lời đẹp
 ta đan hạnh phúc tằm ươm tơ."

Ẩn tàng trong bài thơ Mộng Ước Bình Thường là tâm tình, ước nguyện về một mái ấm gia đình. Tiếng nói từ tâm tư tác giả bày tỏ với người bạn đời mai sau (?) mà hiện nay thi sĩ vẫn chưa gặp:

 "Tôi vẫn tìm em vạn nẻo đường
 từ Đông phương bạt đến Tây phương."

Và rồi qua đến đoạn kết thi phẩm, hình ảnh man mác buồn với một "cõi nào xa" nhưng vẫn còn đôi chút hy vọng, có thể "em" nghe thấu chăng?:

"Người ơi mộng ước bấy nhiêu thôi
 nhưng mỏi mòn hơn nửa kiếp rồi
 em cõi nào xa mong mở cửa
 tôi tìm bóng nhỏ mộng tinh khôi."

Có thể nói, trong thời đại này vẫn còn những người có tâm cảnh "tôi" như tác giả bài thơ mô tả, và có thể nơi "cõi nào xa" cũng có những nàng còn đợi mong những lời thành thật yêu thương.

2. 2016
VVHP

**********************

Không có nhận xét nào: