Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

LÀNG XA



Truyện Ngắn

Làng Xa

    Bà Bân thức dậy lúc trời vừa sáng. Mấy ngày qua tất bật mang xách hành lý đáp vội chuyến phi cơ chở khách từ một vùng xa xôi tận Âu châu và về đến quê hương, lúc đó bà Bân đã nghĩ nỗi mệt nhọc chẳng còn nhiều nữa, chỉ còn vài trăm cây số là sẽ về đến nhà. Nhưng rồi tiếng động ồn ã bên cạnh phi trường, cảnh vội vã chen lấn nơi bến xe làm vài người về cùng chuyến đó với bà và bà chợt thấy tâm trí không yên. Một nỗi thất vọng ùa vào khi những người về thăm quê hương rỉ tai nhau nghe khoản tiền họ phải đưa hối lộ lúc qua cổng kiểm soát. Tiếp đến một chặng đường mệt mỏi ngồi trên xe, rồi mang xách hành lý qua phà xuống đò đã làm bà Bân thấm mệt.
Bà Bân ngồi và lắng nghe tiếng gà gáy xao xác trong thôn. Bà lặng lẽ đến ngồi trên chiếc ghế đặt gần cửa sổ trông ra vườn. Cảnh sớm mai trong mảnh vườn nhỏ gợi lại cho bà bao kỷ niệm. Cây bưởi ngày trước nở hoa trắng ngần và tỏa hương thơm ngát, nay đã già cỗi vẫn đứng nơi góc vườn. Khóm dong với vài chiếc lá xanh vẫn còn lại vài gốc... Và gần lối trồng vài cây nhài, cây cúc để lấy bông ướp trà vẫn còn lại cây ổi khẳng khiu và trụi lá. Nơi đây, gần hai mươi năn về trước, trong một đêm tối trời, vợ chồng bà Bân và hai đứa cháu rời bỏ quê nhà ra đi. Mỗi người chỉ mặc một bộ quần áo trên người và đem theo túi xách nhỏ trong có vài củ dong để ăn tạm qua ngày. Nỗi uất ức nghẹn ngào và những đau khổ cùng cực lúc đó buộc họ phải đi tìm một con đường sống...
Quê hương với mảnh vườn hiền hậu và với những kỷ niệm chua xót không thể quên. Những cảnh khổ đau ngày trước thoáng hiện về trong tâm trí bà, một thoáng buồn thương mênh mang hôm đầu tiên trở lại quê nhà sau nhiều năm xa cách.

Bà Bân chợt nhớ lại lúc sắp chia tay với người trong gia đình vài hôm trước. Bữa đó, hai đứa cháu kêu bà bằng thím cũng đến giúp bà xếp gọn hành lý và gửi thêm vài món đồ về làm quà cho người nhà. Khi mọi việc đã tạm xong, chợt Sành nói :
-Hôm qua, cháu bàn với vợ cháu, thím nên lui lại một hai tuần chờ chú về cùng chuyến. Tiền vé máy bay có thiếu, vợ chồng cháu sẽ giúp. Chú thím nghĩ như thế có hạp không ?
Ông Bân ngồi yên lặng, vẻ yên lặng như thể mọi việc đã xong. Vợ Sành nhìn Sành, nói :
-Anh chuyên đời bàn ngang. Việc này thím đã bàn với chú. Chú nói chú chưa thể về lúc này là chú chưa về.
Bà Bân chậm rãi nói :
-Bây giờ trong nước nghe chừng đã khác hơn ngày trước. Tuy vậy, dân chúng lúc này hình như khôn hơn ngày trước. Nay loa phóng thanh đặt đầu xóm dẫu nói ra rả suốt ngày cũng chẳng còn ai thèm nghe. Khẩu hiệu vẫn treo đầy đường đầy phố, nhưng chẳng có ai dại gì sống và làm theo khẩu hiệu, nghe nói ai cũng chỉ lo cái mái nhà của họ, sức mấy người nào rỗi hơi phấn đấu, thi đua nữa. Đám cán bộ hung dữ khét tiếng đì ông ngày trước, nay đã ngỏm gần hết rồi. Ông cũng nên nghĩ lại.
Chờ bà Bân nói xong, Sành thêm vài lời :
-Thím bàn nghe qua có phần nào phải đó, chú ạ. Hiện nay nhiều người nói quê mình đổi khác hơn trước. Nhà xây nhiều hơn, việc buôn bán các thứ đồ từ biên giới cũng sầm uất hơn. Chỉ phiền cái rộ xe máy nên khói bụi nhiều hơn thôi. Còn mang tiền của ở bên này về để ăn chơi thì cũng xôm trò lắm. Chú nên về một chuyến xem thế nào.
Vợ Sành nhìn chồng, nguýt dài:
-Thì cũng muốn xôm trò nên có người mang theo bệnh vào người đó, về đến bên này lại đổ bệnh cho vợ. Hai vợ chồng tốn tiền chạy chữa mãi mới khỏi. Chuyện vợ chồng sống ở làng Mới đó, ai ai chẳng rõ. Nói chuyện ăn chơi mà thấy tức quá đi.
Bà Bân giảng hòa :
-Vợ chồng hai cháu đụng tới chuyện này nghe um sùm quá hà. Mà thằng cháu này nữa, mi ra đường lỡ trông thấy gái đừng nhìn lâu nha. Vợ đã để ý xét nét, chồng lại mau mắt mau miệng.
Bà Bân quay sang nói với ông Bân :
-Thôi, ông chưa về lúc này cũng không sao. Tôi mang quà biếu hai gia đình nội ngoại và láng giềng ngày trước là được rồi. Ở bên này ông ráng ăn uống đầy đủ và giữ gìn sức khỏe. Tôi sẽ tìm vài thứ quà hạp với ông và sẽ đem qua.
Ông Bân tư lự vài phút, lát sau ông nói :
-Bà khỏi cần mua quà cáp sang bên này. Nhớ chuyển lời chúc của tôi đến bên nội bên ngoại và vài người quen ngày trước. Chúc may mắn và sức khỏe. Bà đem được vài tấm hình của bên nội, bên ngoại và những người quen trước sang bên này thì tôi vui. Thôi, bà đi ngủ sớm kẻo mai dậy muộn.
Bà Bân bùi ngùi :
-Ông tính đến năm nào thì về ?
Ông Bân nhìn bà Bân, nhìn hai vợ chồng Sành :
-Tôi thường nhớ lại đêm tôi cùng bà và hai đứa cháu này rời bỏ làng xóm ra đi. Lúc chia lià quê hương tôi đã rơi nước mắt, bà cũng khóc và vợ chồng Sành cũng khóc. Xót thương thân phần chung của những người phải rời xa quê hương và xót thương thân phần khốn khổ của những người còn ở lại, trong số những người đó có nhiều người thân thuộc... Nay quê hương đã bớt cảnh thê lương, bởi có nhiều người can đảm và vì thế các cảnh hung dữ ngày trước đã bớt đi nhiều. Tôi nghĩ rằng, người trong nước cũng như người ngoài nước phải biết ơn những người đã dấn thân và can đảm trong và ngoài nước. Còn việc về thăm quê hương xứ sở của tôi chẳng có điều chi hệ trọng. Nhiều người sống nơi hải ngoại và tôi nữa, cũng chỉ mong quê hương làng xóm tốt đẹp, tươi vui hơn. Và đến ngày nhà nhà tươi vui, tốt đẹp...
Sành nhìn chú, cảm thông :
-Ngày đó chú sẽ về phải không chú ?
Ông Bân gật đầu :
-Phải, ngày đó về sẽ vui hơn.

Vân Võ Hoài Phương

( Truyện ngắn Làng Xa đã đăng tải trong tạp chí
 Văn Nghệ Ngày Nay, số Xuân, tháng 1. 2001. )
 
* Nhân gặp vài ngày rảnh cuối tuần và có dịp xem lại những lưu trữ, nay trang Sổ Tay Văn Nghệ tìm lại vài bản đã góp vui với bạn hữu gần xa ( hiện vẫn còn thất lạc vài bản, chưa kiếm ra, mong hiểu giùm.. ) .
 
CHÚC VUI !!
 
********************** 

 

Không có nhận xét nào: