Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

ĐÔI ĐIỀU NGẪM NGHĨ ( 2 )

 
Đôi Điều Ngẫm Nghĩ ( 2 )
 
  "Bảy mươi còn học bảy mốt". Phải rất nhiều ngày sau tôi mới hiểu ra ít nhiều những lời anh đã nói với tôi ngày nào. Đến thăm anh hôm ấy, đúng vào ngày - theo lời anh nói - tính theo tuổi Tây, anh vừa tròn 'bảy bó', còn tính tuổi Ta, anh bảy mươi mốt tuổi. Tôi kính nể anh bởi anh có vốn hiểu biết rất phong phú từng thể hiện qua nhiều bài viết. Tuy sống đơn thân nhưng anh được nhiều người trong vùng kính trọng.
Còn nhớ, hôm tôi gặp anh là một ngày mùa hè. Với dáng nhanh nhẹn và vui vẻ, anh ra ra vào vào từ phòng khách đến phòng bếp, mang ra nhiều thứ bánh trái, phích đựng nước rồi đồ pha trà... Tôi ngồi lặng im nhìn ngắm anh, cảm thấy thật hiếm có những giây phút quý giá này trong đời. Còn anh, có thể anh coi tôi là một khách lãng du từ xa tới - và cũng có thể - với anh, hôm nay, anh có dịp hàn huyên, tâm tình hay nói ra những điều anh tâm đắc.
Sau một tuần trà, và sau vài lời hỏi han thân tình về đời sống gần xa, anh nói qua về "bảy mươi mốt mùa xuân xanh" của anh, nói qua vài nơi anh đã sống... Anh nói với tôi như nói với một bằng hữu đã có thời từng sống bên nhau, dù tôi kém anh gần hai mươi tuổi. Mà đúng thật, giữa anh và tôi, khi đó chẳng có gì ngăn cách, tình đồng hương xen lẫn tình ưa thích 'báo bổ'. Anh ngồi bên tôi, một người bạn lớn đã sống hơn bảy mươi mùa xuân, dày dạn kinh nghiệm trên trường văn, trận bút. Tôi ngồi yên lặng nghe anh nói, và hiểu ra anh vẫn còn nhiều nghị lực, trí tuệ vẫn tinh tường thể hiện qua lời nói và cách nghĩ. Nhìn anh, tôi thầm ước mong, sau này bằng tuổi anh, tôi gắng sống thế nào để có được phong thái tuổi hơn bảy mươi này. 
- Anh nên biết, tôi còn được dáng vẻ như ngày nay, vì tôi luôn tâm niệm...
Tôi rất muốn biết anh đã tâm niệm điều gì, nhưng anh nói sang một ý khác:
- Nếu tôi không bền tâm vững chí thì giờ này tôi còn ngụp lặn bên các vũng lầy đời thường rồi. Sống ở hải ngoại, nhiều thứ cám dỗ lắm và cũng dễ nhiễm nhiều thứ bệnh. Anh không tiền, không tình thì cũng khổ; mà anh chạy theo tiền, theo tình lại khổ thêm. Bệnh tật cũng nhiều thứ bệnh: bệnh ma bùn ganh ghét nhau, bệnh hám danh và nhiều thứ ngộ nhận.
Quả thật ngày ấy tôi không hiểu hết những lời anh nói, có thể là do một phần tôi ít va chạm với nhiều người sống trong xã hội, thiếu sự từng trải nên chưa có dịp để chiêm nghiệm. Đến nay muốn gặp lại anh để nghe thêm những lời tâm tình của anh thì anh đã sống như một ẩn sĩ. 
Những ngày này, xem trên Net, tôi thấy ra một hình ảnh khiến tôi luôn nhớ về anh. Nhớ lần gặp anh và nhớ những lời anh đã nói từng được ghi lại trong một cuốn băng hình kỷ niệm.
 
*
 
   Trong chuyến du lịch xa mùa hè năm ngoái, khi bước vào trong một tiệm sách, tôi chợt trông thấy cuốn sách của một học giả rất được nhiều người đọc sách kính trọng. Nhìn tựa sách, tôi bỗng nhớ đến những dòng ông viết trong tác phẩm Để Thành Nhà Văn: "Lời nói đây là lời nói chân thành. Tôi chỉ viết khi nào tôi cảm thấy cần phải nói lên một điều gì thôi." 
Tác phẩm trên của học giả Nguyễn Duy Cần, tuy số trang chưa đến hai trăm trang và một điều, cần phải nói, theo nhận biết riêng tôi, hiểu thấu "điều" tác giả trình bày, chắc hẳn không dễ chút nà̀o.
Nói, nghe và hiểu - xưa nay nhiều người thường nghĩ đến. Có ai đó còn cho rằng muốn hiểu người nào, phải nghe họ nói. Thế nhưng ở nhiều nơi, đôi khi có người "nói xuôi", có người "nói ngược". Còn người nghe ? Có thể đôi lúc xảy ra tình trạng người nghe cảm thấy mếch lòng, tự ái bởi hiểu sai lạc mặc dù người nói, nói đến một vấn đề khác, chẳng dính líu đến mình. Đây là một thực tế nhiều người đã biết. Chợt nhớ lại trên trang nhà một nhạc sĩ nổi tiếng. Ông kể lại ( hay sưu tầm ? ): có một cặp vợ chồng ngồi nói chuyện vãn ( kẻ viết chỉ còn nhớ đại ý..). Chồng nói: "Ở đời, có người nghe chuyện nói ở đẩu ở đâu, lại cứ nghĩ người ta ám chỉ mình." Vợ nhìn chồng, nói: "Ông nói như thế, có phải ông định ám chỉ tôi không ?" Theo tôi nghĩ, đoạn kể trong trang nhà nhạc sĩ rất hay, rất đúng thực tế đôi lúc xảy đến và hài hước, xen đôi chút trào phúng thấm thía. Vấn đề đặt ra ở đây đúng thật là sai một li, đi một dặm. Hiểu sai, dẫn tới mối thiện cảm gãy đổ, tình nghĩa chẳng còn và rồi mỗi người đi một ngả. Qua việc này giúp nhiều người nhìn lại và hiểu thêm, thực tình có nhiều đôi vợ chồng chỉ vì một bất hòa nho nhỏ, một tự ái vớ vẩn hoặc một sĩ diện cá nhân mà bỏ uổng, lỡ phí hạnh phúc gia đình... Lời Đức Phật từng khuyên Kẻ nào chỉ cho ta khuyết điểm của ta, kẻ đó đã chỉ cho ta một kho vàng !
 
*     

 
   Mùa hè năm ngoái, một bạn thân hồi còn trẻ đến thăm tôi. Anh có hai con gái và lấy chồng bên này. Anh tuổi Tuất và hơn tuổi tôi ít nhiều. Thực lòng tôi không quá tin những việc  chẳng hạn câu ... đến nhà thì khó, hoặc câu ... đến nhà thì sang. Nhưng sau lần anh đến thăm tôi, nhiều việc đến với tôi có vẻ thuận lợi, nói đúng ra thì may nhiều hơn xui. Trong lúc nâng ly bia nhẹ chúc mừng, nhớ chuyện tình cũ của anh, tôi khẽ nói đùa vui: " Này, cái cô gái ở đầu ngõ xóm, thỉnh thoảng vẫn nhớ đến anh và kể rằng, thời tuổi trẻ anh thường đi theo cô ta và hát cho cô ta nghe một bản tình ca ngày trước." Bạn tôi cười: "Hình như tựa đề bản tình ca đó là Xin một ngày mai có nhau..." Chẳng ngờ, lúc này bà xã của anh nghe thoáng chuyện hai chúng tôi, bả nói với chồng: "Thôi anh ơi. Ngày nay xin anh ca bài 'Xin một ngày mai được ở nhà dưỡng lão' !" 
Nói xong câu nói vui, bỗng nhiên bà vợ bạn tôi liền ngồi gần lại bên chồng, âu yếm xoa nhẹ tấm lưng gày còm và vuốt ve bờ vai tuổi gần bảy mươi xuân xanh của anh, bả dịu dàng nói: "Ồ̀, lúc này anh vẫn còn phải chăm nom mấy đứa cháu ngoại. Con cháu anh đâu dễ cho anh đến nghỉ ở nhà dưỡng lão! Phải không, hiệp sĩ của đời em."
 
VVHP
 
**********************  




Không có nhận xét nào: